Doanh nghiệp công nghệ Việt là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, hạt nhân của cuộc chuyển đổi số lần này chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 3/10, Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm thường niên về công nghiệp 4.0 - Industry Summit đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Đây là diễn đàn thường niên với quy mô một phiên cấp cao do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì, 5 hội thảo chuyên đề, hoạt động triển lãm về công nghệ 4.0 của gần 100 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế với sự tham dự của khoảng 4.000 đại biểu.

Cơ hội từ thách thức

Trong phiên toàn thể tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, và chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng khẳng định nói đến chuyển đổi số là nói đến một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số, hay còn gọi là môi trường không gian mạng. Chúng ta đã quen thuộc với các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và sóng điện từ. Một môi trường mới cũng tức là thách thức mới và cơ hội mới, là nhận thức mới và luật lệ mới, là cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới.

"Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Và đây là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng cũng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số."

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và hơn hết chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và mọi lĩnh vực. Và hạt nhân của cuộc chuyển đổi số lần này chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

"Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu."

Việt Nam sẽ có chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.

Chiến lược này sẽ nhấn mạnh đến năm yếu tố, bao gồm: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, khung khổ và đào tạo. Các yếu tố nền tảng này sẽ được đầu tư và nhắm vào mục tiêu đạt thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030.

[Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường] 

Theo Bộ trưởng Hùng, chuyển đổi số quốc gia sẽ đồng thời ở tất cả các cấp độ chính phủ, doanh nghiệp và xã hội, trong đó Chính phủ phải đi đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ trưởng cho hay để chuyển đổi số thành công, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục