Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều kiến nghị cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng trên địa bàn tỉnh để tiếp tục phụ hồi sản xuất kinh doanh.
Hơn 3.000 khách hàng đã được cơ cấu lại nợ
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tín dụng có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
[Tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay]
Trong hơn 2 năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tính đến 28/2/2022, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm); cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 28/2/2022 là 68.082 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Thanh Hóa cũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Mong muốn được tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Dù đánh giá cao các chính sách hỗ trợ từ phía ngân hàng đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng ông Thi cũng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước đến ngày 30/6/2023 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Thi cũng kiến nghị ngành ngân hàng xem xét điều chỉnh tăng hạn mức vay vốn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân không có tài sản đảm bảo theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP…
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cũng cho biết hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn rất hạn chế.
Vì thế, ông Đoan kiến nghị các ngân hàng cần xem xét các điều kiện tín dụng phù hợp với từng doanh nghiệp, ở từng địa phương và nên xem xét tăng thêm quyền quyết định hạn mức cho các chi nhánh và giao chi nhánh phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, ông Đoan cũng cho rằng việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác. Vì vậy, đối với những khoản vay vượt thẩm quyền của chi nhánh thì doanh nghiệp thường bị chậm về thời gian, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
“Tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với Thanh Hóa từ 18%-20% so với bình quân chung của cả nước là 14% vì Thanh Hóa hiện nay là tỉnh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị,” ông Đoan đề xuất.
Đại diện doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, cũng cho hay năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng liên tục phải đối mặt với sản xuất cầm chừng, giãn cách kéo dài, sản xuất 3 tại chỗ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với giá nguyên vật liệu tăng mạnh, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng đột biến ảnh hưởng đến công tác vận tải về nguồn cung nguyên phụ liệu là cho các doanh nghiệp kiệt sức.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi, ông Lâm kiến nghị ngành ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2%-3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới. Xem xét bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng nên nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao.
Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các đơn vị trong ngành ngân hàng tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ: Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Thống đốc cũng giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để tham mưu xử lý kịp thời./.