Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn về sẽ đích ở chặng cuối?

'Thời điểm này mà đánh giá công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm tiến độ là chưa thỏa đáng, kinh nghiệm cho thấy ba năm đầu thực hiện rất chậm song hai năm cuối đã diễn ra rất nhanh.'
Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk tiếp tục phát triển mạnh và được Forbes Việt Nam đánh giá là Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm thứ 7 liên tiếp. (Ảnh: VNM/Vietnam+)

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, về tiến độ của công tác cổ phần hóa, thoái vốn mới chỉ thực hiện được ở 35 trong tổng số 127 doanh nghiệp Nhà nước, tương ứng 27,5% và 88 trong tổng số 405 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn, bằng 21,8% so với kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng đây chỉ là con số tương đối, Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ là một kênh, ngoài ra còn có rất nhiều kênh khác thực hiện thoái vốn cho nền kinh tế.

[HNX: Thị trường 'trầm lắng,' doanh nghiệp thoái vốn chỉ đạt tỷ 28%]

“Tại thời điểm này mà đánh giá công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm tiến độ là chưa thỏa đáng, kinh nghiệm từ giai đoạn trước cho thấy ba năm đầu thực hiện rất chậm song hai năm cuối đã diễn ra rất nhanh vì đã có một quá trình chuẩn bị trước đó,” ông Nguyễn Hồng Long chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 22/8.

Chậm theo kế hoạch từng năm

Trao đổi tại cuộc tọa đàm, đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Hồng Long về khả năng các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn “chạy nước rút” về đích ở chặng cuối là điều có thể mong đợi. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra: “Với kết quả trên, khẳng định công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chậm tiến độ theo kế hoạch của từng năm. Và, tôi tin rằng kết thúc giai đoạn này có thể thành công về mặt số lượng song vẫn lo ngại kết quả chào bán cổ phần không đạt được tỷ lệ cao so với số lượng mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.”

Ông này dẫn chứng trường hợp của Tổng công ty Sông Đà chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, song chỉ bán thành công 0,37% khối lượng chào bán, còn lại “ế” tới 99,63% cổ phần.

“Vấn đề nằm ở chỗ, cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước không bán được theo kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vốn của Nhà nước vào những ngành nghề hợp lý hơn,” ông Trung nói.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ như việc các quy định trong cổ phần hóa được Nhà nước ban hành chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm mục tiêu, hiệu quả và minh bạch khiến thời gian thực hiện sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương còn gặp những vướng mắc trong việc xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, lãnh đạo tại một số doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa còn e ngại, sợ trách nhiệm khi xử lý công việc đã thời gian bị kéo dài.

Ông Trung cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân khách quan gây ra những khó khăn nhất định, như khả năng hấp thụ của thị trường trong giai đoạn này tương đối yếu. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa chưa hấp dẫn được giới đầu tư. Và, một số chính sách còn có bất cập về việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, đến khi đưa vào thực hiện bị thiếu đồng bộ.

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã chào bán thành công 100% số cổ phần ra công chúng với 114,8 triệu cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ. (Ảnh: TTXVN)

Cán bộ sợ “mất chỗ” là do năng lực kém

Để chủ động cung cấp thông tin về kết quả triển khai công tác cổ phần hóa đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Trung tuần tháng Tám, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, cụ thể bốn doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, 62 doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 27 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Công tác cổ phần hóa cần được thực hiện công khai minh bạch, bám sát Nghị quyết trung ương của Đảng. Khâu chuẩn bị cổ phần hóa là rất quan trọng và việc đầu tiên là nhận thức, do đó các doanh nghiệp Nhà nước phải chủ động sắp xếp theo đúng Luật đất đai và điều này sẽ giúp tiến độ cổ phần hóa rất nhanh,” ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ.

Theo ông Tiến, vấn đề bất cập hiện nay là công tác phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu vốn Nhà nước và các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Nếu các lãnh đạo địa phương không quyết liệt thực hiện sẽ khiến thời gian bị kéo dài, vì vậy Chính phủ cần phải quy định trách nhiệm phân cấp rõ ràng hơn.

Khẳng định công tác phối hợp chưa thông suốt, một phần do người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước ngại cổ phần hóa. Theo ông Nguyễn Hồng Long: “Việc một số quy định chưa chặt chẽ tạo tâm lý ngại trách nhiệm hay sợ ‘mất chỗ’ của một số người đứng đầu doanh nghiệp. Đây là vấn đề ‘tế nhị’ nhưng vẫn phải nhìn vào thực tế đó bởi bên cạnh yếu tố thể chế, thị trường thì vai trò của các cá nhân là rất quan trọng.”

Về điều này, Phạm Đức Trung nhấn mạnh, thực tế đã chỉ ra các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đã phát triển rất mạnh và đạt nhiều thành tựu, điều này có thể thấy rõ với các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

“Do đó, câu chuyện sợ ‘mất chỗ’ chỉ có ở một bộ phận cán bộ nhìn chung là năng lực kém. Quy định đã rất rõ ràng và chế tài cũng đủ mạnh với các hành vi gây chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Nhưng thời gian qua chưa có một trường hợp nào bị xử sử lý. Việc xử lý không nghiêm với những người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan đại diện cổ phần hóa của Nhà nước… đã dẫn đến sự chậm trễ kéo dài như trong thời gian qua,” ông Trung nói.

Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả thống nhất đề xuất “phải có sự kỷ luật thích đáng với các hành vi gây chậm trễ công tác cổ phần hóa, thoái vốn”./.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục