Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó, tận dụng cơ hội tại Campuchia

Không ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đã trụ vững trong “trạng thái bình thường mới,” thậm chí tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh với phương châm “Trong khó khăn vẫn có cơ hội."
Ký kết gói tín dụng trị giá 100 triệu USD cho năm 2021. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang “tàn phá” nhiều nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Campuchia với ước tính thiệt hại sơ bộ có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Nhiều lĩnh vực kinh doanh như du lịch, dệt may tại nước này bị thu hẹp, khó lòng hồi phục trở lại trong vòng 2-3 năm tới.

Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đã nỗ lực trụ vững trong “trạng thái bình thường mới.” Thậm chí, họ tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh với phương châm “Trong khó khăn, khủng hoảng vẫn có cơ hội.”

Đánh giá chung về bức tranh doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia, Tổng Giám đốc MBbank tại Campuchia, ông Trịnh Đức Cường, cho rằng dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động trong nền kinh tế của đất nước Chùa tháp thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn có một làn sóng doanh nghiệp Việt Nam mới trở lại thị trường quốc gia Đông Nam Á này trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, ở nhiều quy mô với tính chuyên nghiệp cao hơn hẳn giai đoạn 10 năm trước.

Chính thức hiện diện tại Campuchia từ năm 2011, MBbank cùng với Metfone (Viettel Cambodia) hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được đánh giá là những doanh nghiệp Việt đi tiên phong khai phá thị trường Campuchia.

Các doanh nghiệp này đã tạo dấu ấn trong các lĩnh vực viễn thông-nông nghiệp-tài chính, ngân hàng, đặc biệt là thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược hiệu quả, dựa trên thế mạnh, tiềm năng và kinh nghiệm của mỗi doanh nghiệp Việt.

[Doanh nghiệp Việt bền bỉ vượt khó trên đất nước chùa Tháp]

Nhìn nhận về những cơ hội tiềm tàng bất chấp diễn biến cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 tại Campuchia có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, Tổng giám đốc Metfone, ông Phùng Văn Cường cho rằng doanh nghiệp này vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng từ từ 7-8% trong năm 2021, dù đây là con số đầy thách thức.

Đại dịch COVID-19 đã hạn chế nhiều hoạt động đi lại tại Campuchia, tình trạng công nhân mất việc làm khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, nhu cầu cập nhật tin tức, liên lạc với nhau bằng công nghệ, qua các mạng xã hội sẽ tăng mạnh.

Đây là những cơ hội đang được Metfone - đơn vị viễn thông hàng đầu tại Campuchia - tận dụng tối đa nhờ vùng phủ sóng sâu và rộng trên khắp các tỉnh thành, mạng lưới kinh doanh cắm chốt ở từng địa phương đẩy mạnh bán dịch vụ.

Phát biểu nhân dịp Metfone và MBbank đánh dấu kỷ niệm 10 năm hợp tác chiến lược (2011-2021) và Lễ ký kết gói tín dụng trị giá 100 triệu USD cho năm 2021 diễn ra sáng ngày 1/4 tại thủ đô Phnom Penh, ông Phùng Văn Cường cũng đánh giá rằng dịch COVID-19 bùng phát lại là cơ hội tốt cho quá trình chuyển đổi số cho người dân Campuchia với việc phải quen dần với việc mua hàng trực tuyến (online), bán sản phẩm qua công nghệ số thay vì thói quen mua sắm truyền thống trước đây.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại thị trường Campuchia luôn là mục tiêu của MBbank từ 10 năm qua.

Với riêng Metfone - được đánh giá là đơn vị “đầu tàu” tạo đà cho nhiều hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp Việt - MBbank đã luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa về các nhu cầu vốn cùng dịch vụ tài chính chuyên biệt để công ty tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ và củng cố vị trí nhà mạng viễn thông số một tại thị trường Campuchia.

Các dịch vụ tài chính số chính là một trong các thế mạnh mà MBbank đang được Metfone tạo điều kiện hỗ trợ, là giải pháp thích ứng với giai đoạn công nghệ 4.0 chung của thế giới cũng như giai đoạn đại dịch rất khó lường hiện nay.

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh nhanh hơn nữa để các sản phẩm/dịch vụ phù hợp với thực tế và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng cũng như đặc thù của mỗi thị trường.

Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia đạt 1,331 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020.

Về cán cân thương mại giữa hai nước, trong khoảng thời gian này, Việt Nam xuất siêu sang Campuchia 125 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục