Ngày 2/3, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000,” giới thiệu hàng trăm bìa báo Xuân đặc sắc như Nam Phong, Trung Hòa Nhật Báo, Dân Chúng, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Việt Nam Độc lập, Tin Tức và Le Courrier du Vietnam (của Thông tấn xã Việt Nam)...
Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những trang báo Tết rực rỡ sắc màu có tuổi đời từ thế kỷ 19-20, những tác phẩm văn chương của Thế Lữ, Khái Hưng… viết riêng cho báo Tết.
Triển lãm góp phần khẳng định chỗ đứng vững chắc của báo Xuân trong đời sống báo chí nước ta hơn 100 năm qua, chắt lọc kinh nghiệm làm báo từ các thế hệ trước và tôn vinh bộ sưu tập báo Tết đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn công phu.
Ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ: “Qua những tờ báo Xuân, phong vị của Tết xưa hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. Báo Xuân không chỉ ‘ôn cố mà còn ‘tri tân,’ không chỉ tổng kết những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn, kiến tạo bầu không khí tưng bừng, với những phong tục tập quán độc đáo ngày Xuân ở ba miền đất nước, hay giới thiệu văn hóa muôn màu, thế giới muôn sắc.”
[Báo Xuân – nét văn hóa đặc biệt của Tết Việt Nam]
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo Xuân có sự khác biệt rõ rệt với các tờ báo thường ngày, từ cách trưng bày hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Xem những tờ báo Xuân từ xưa đến nay, bên cạnh nội dung đặc sắc được chuẩn bị công phu hàng tháng trước đó thì việc đầu tư tâm sức về mặt mỹ thuật cũng tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ đối với công chúng và làm nên sự nổi bật cho báo Xuân.
“Nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi và các đồng nghiệp làm báo đều rất mong chờ được viết, tham gia thiết kế nội dụng, trình bày trang báo hay tổ chức xuất bản các số báo Tết; độc giả khắp mọi miền Tổ quốc cũng chia vui với chúng tôi, háo hức chờ đợi món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân,” nhà báo Lê Quốc Minh bày tỏ.
Nhà báo Trần Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có nhiều tờ báo ra đời vào đúng dịp Tết cổ truyền như “Gia Định báo” số 2 xuất bản ngày 15/2/1866 đúng mồng Một Tết Bính Dần nhưng chưa có phong vị Xuân trên báo hay tờ “Thông loại khóa trình” số 10, xuất bản tháng 2/1889 thì chỉ mới đề cập khiêm tốn đến không khí Xuân ở trang 2 qua dòng “Tân Xuân” bằng chữ Hán và "Chữ viết dán ngày Tết.”
Một số tờ báo khác như Nam Kỳ (1898), Lục Tỉnh Tân Văn (1908)… cũng có đề cập đến Tết trong các số báo ra dịp đầu Xuân nhưng phải đến “Nam Phong tạp chí” số Tết năm 1918 thì báo Tết mới thực sự khởi đầu cho trào lưu ra báo Xuân hằng năm của báo chí Việt Nam.
Nhà sưu tầm báo cũ Tạ Thu Phong thì cho rằng “Nam Phong tạp chí” năm 1918 chỉ là tờ chuyên đề Tết, còn đã là báo Tết thì phải ra thường xuyên. Từ quan điểm này, ông cho rằng tờ “Phụ nữ tân văn” mới là tờ báo Tết đầu tiên bởi tờ báo này ra đời năm 1929, đến năm 1930 thì có số báo Tết đầu tiên và từ đó hàng năm đều ra báo Tết.
Từ đây, báo Xuân từng bước phát triển muôn màu, muôn sắc. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy được toàn bộ hình thái xã hội đương thời, những phong tục tập quán độc đáo, thế giới văn hóa muôn màu hay lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của người dân trong thời cuộc. Báo Tết mang đến những áng văn chương đặc sắc, mang đậm tính thẩm mỹ và hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy tài năng của các thế hệ những người làm báo Việt Nam.
Trưng bày sẽ kéo dài đến 31/3 tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là sự kiện khởi đầu để chuẩn bị cho triển lãm cùng tên tại Hội báo toàn quốc 2023./.
Một số hình ảnh trong triển lãm: