Đối đầu hải quân ở Biển Đông là dấu hiệu thay đổi quan hệ Trung-Mỹ

Các chuyên gia nhận định, căng thẳng quân sự ngày càng leo thang ở Biển Đông giữa các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ có khả năng là dấu hiệu cho sự thay đổi cơ bản trong quan hệ hai nước.
Đối đầu hải quân ở Biển Đông là dấu hiệu thay đổi quan hệ Trung-Mỹ ảnh 1Tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sputniknews đưa tin, các chuyên gia nhận định, căng thẳng quân sự ngày càng leo thang ở Biển Đông giữa các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ có khả năng là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cơ bản trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh hai cường quốc này hướng tới cuộc cạnh tranh thực sự.

Hôm 27/5 vừa qua, hai tàu chiến của Mỹ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Antietam đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Để đáp trả, quân đội Trung Quốc tuyên bố đã triển khai máy bay quân sự nhằm nhận dạng, cảnh báo và xua đuổi các tàu chiến Mỹ.

Vụ đối đầu hải quân mới nhất nêu trên diễn ra sau khi Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào mùa Hè này, viện cớ Bắc Kinh tiếp tục hành động quân sự hóa làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn khu vực.

[Bắc Kinh kêu gọi Mỹ kiên định với chính sách một Trung Quốc]

Giới phân tích chính trị cho rằng do căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng ở Biển Đông nên vụ đối đầu quân sự này có khả năng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ hướng đến cuộc cạnh tranh thực sự trong quan hệ song phương.

Giám đốc Viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Chengchi ở Đài Loan (Trung Quốc), ông Arthur Ding nhận định: "Nhìn chung, quan hệ song phương Trung Quốc-Mỹ đang trải qua những thay đổi cơ bản do hai nước đang hướng tới cuộc cạnh tranh thực sự trong tương lai.

Mỹ luôn bất mãn với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và phải hành động đáp trả. Việc Mỹ điều các tàu chiến để nhấn mạnh sự tự do hàng hải là lẽ tự nhiên."

Tuy nhiên, ông Arthur Ding cho rằng Mỹ có khả năng không có thêm các hành động khác, ngoài hoạt động duy trì tự do hàng hải thông thường để thách thức sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực, do bất lợi về địa lý.

Ông phân tích: "Về mặt địa lý, Trung Quốc gần Biển Đông hơn rất nhiều và thực hiện nhiều hành động hơn. Còn những gì Mỹ có thể làm lại hạn chế hơn. Thậm chí kể cả khi Mỹ điều các tàu sân bay đến khu vực này thì điều đó cũng chẳng tạo ra sự khác biệt gì chừng nào Washington không sẵn sàng tham gia cuộc xung đột quân sự với Bắc Kinh."

Theo ông, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự tại các đảo tranh chấp. Nếu Mỹ quyết định không phá hủy các tiền đồn quân sự đó của Bắc Kinh, Trung Quốc có thể chẳng quan tâm mấy tới sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ.

Chuyên gia này còn nhận định, bất chấp tình hình căng thẳng leo thang giữa lúc đối đầu hải quân, các cuộc đụng độ quân sự có khả năng không bùng nổ ở Biển Đông khi các tàu chiến giữa hai nước tiếp cận gần nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.