Đối địch Mỹ-Trung và chuyển biến trong nhận thức ở Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á vẫn dè dặt và do dự, tránh chọn bên khi phải xoay sở chính sách đối ngoại của mình trước cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong khu vực.
Đối địch Mỹ-Trung và chuyển biến trong nhận thức ở Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thestar.com.my)

Theo trang mạng asiatimes.com, các quốc gia Đông Nam Á vẫn dè dặt và do dự, tránh chọn bên khi phải xoay sở chính sách đối ngoại của mình trước cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong khu vực.

Đây là kết quả của báo cáo khảo sát về Tình hình Đông Nam Á 2022 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak ) ở Singapore tiến hành trong năm 2022 và công bố hồi tuần trước.

Theo cuộc khảo sát được tiến hành trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á và được công bố trong tháng 2/2022, hơn 1/10 số người được hỏi cho rằng "việc duy trì quan điểm trung lập là phi thực tế" và rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.

Rahul Mishra - Giảng viên cao cấp tại Viện Á-Âu thuộc Đại học Malaysia - lập luận: "Chiến lược 'phòng bị nước đôi' là một thứ xa xỉ mà những nước tầm trung không thể duy trì lâu dài, nhất là khi rủi ro gia tăng, các siêu cường đều đang tự khẳng định (vai trò và tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực) và tình trạng đối địch gia tăng."

Theo báo cáo này, ngày càng nhiều học giả và giới định hình dư luận (chính trị gia, nhà báo,...) cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang, chính sách "phòng bị nước đôi" mà các nước Đông Nam Á lâu nay vẫn áp dụng trong mối quan hệ của họ với hai cường quốc nói trên cần phải được thay thế bằng một chiến lược mới.

Khoảng 11,1% số người được hỏi cho rằng khu vực Đông Nam Á giờ đây cần chọn bên giữa Washington và Bắc Kinh. Con số này chỉ là 3,4% trong cuộc khảo sát hồi năm 2021.

[Chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN]

Số người được hỏi cho rằng ASEAN cần tiếp tục lập trường không đứng về phía siêu cường nào giảm xuống còn 26,6% so với tỷ lệ 30,6% trong báo cáo khảo sát hồi năm 2021 của viện nghiên cứu nói trên.

Bà Joanne Lin, một trong nhóm tác giả thực hiện cuộc khảo sát đồng thời là nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, lập luận: "Thực tế mà nói, đối với những vấn đề không mang tính hệ quả, việc duy trì quan điểm và lập trường trung lập không khó khăn gì. Thế nhưng, đối với những vấn đề chiến lược then chốt, đôi khi việc thể hiện lập trường trung lập có thể không phải là một lựa chọn."

Theo phân tích mở rộng của nữ chuyên gia này, nếu căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng với quá trình "phân tách" hai siêu cường trên mọi lĩnh vực, việc duy trì quan điểm trung lập thậm chí sẽ đặt ra nhiều thách thức và khó khăn hơn nữa trong bối cảnh các hoạt động trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Rốt cuộc, ASEAN sẽ phải lựa chọn một chuỗi cung ứng nhất định, một nhà cung cấp công nghệ nhất định và một lập trường nhất định ở Biển Đông.

Ông Hunter Marston - nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia - chỉ rằng hầu hết những người được hỏi vẫn ủng hộ việc ASEAN tăng cường khả năng phục hồi và chống đỡ của chính mình và “số người vận động ASEAN từ bỏ quan điểm trung lập để chọn bên chỉ chiếm thiểu số.”

Ngoài ra, ông Marston lập luận các câu hỏi của cuộc khảo sát chỉ liên quan đến những gì ASEAN nên làm, không phải liên quan đến những gì mà các quốc gia riêng lẻ của khối cần làm.

Tuy nhiên, khi khảo sát từng nước riêng lẻ, kết quả sẽ khác biệt rõ rệt. Số người Myanmar được hỏi cho rằng ASEAN cần chọn phe giữa hai siêu cường tăng lên 30,6% trong cuộc khảo sát mới công bố, trong khi con số này chỉ là 8,3% trong cuộc khảo sát hồi năm 2021.

Kết quả này nằm trong dự đoán bởi Myanmar đang hứng chịu cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết sau cuộc đảo chính mà tập đoàn quân sự nước này tiến hành hồi tháng 2/2021.

Số người Việt Nam được hỏi cho rằng việc "duy trì lập trường trung lập là phi thực tế" tăng từ 1,1% lên 9,7%, trong khi con số này đối với người dân Singapore và Indonesia tăng lần lượt là gấp 3 lần và gấp hơn hai lần so với kết quả khảo sát năm 2021.

Nếu như không có người dân Campuchia nào nhất trí với quan điểm chọn bên trong cuộc khảo sát năm 2021 thì nay có 13,6% số người nói rằng họ ủng hộ việc chọn bên trong cuộc khảo sát năm 2022.

Trong các cuộc khảo sát mà viện nghiên cứu trên tiến hành hàng năm, danh sách câu hỏi luôn có câu: Nếu ASEAN buộc phải chọn bên với một trong hai đối địch chiến lược, Mỹ hoặc Trung Quốc, ASEAN nên chọn bên nào?

Trong cuộc khảo sát năm 2021, trong số những người Campuchia được hỏi, có 46,2% số người đáp rằng ASEAN cần chọn Trung Quốc, số còn lại cho rằng ASEAN cần chọn Mỹ.

Theo kết quả khảo sát năm 2022, khoảng 81,5% người dân Campuchia giờ đây cho rằng ASEAN cần đứng về phía Trung Quốc hơn là phía Mỹ. Trong khi đó, khoảng 82% người dân Lào có cùng quan điểm này.

Khi được hỏi về quan điểm của họ đối với Trung Quốc, khoảng 25,9% người Campuchia hiện nay coi Bắc Kinh là một "cường quốc "ôn hòa và rộng lượng", trong khi con số này chỉ là 3,8% trong kết quả khảo sát 2021.

Đứng thứ hai trong số các quốc gia thành viên khác của ASEAN có cùng quan điểm nói trên với người dân Campuchia là người dân Thái Lan. Người Campuchia cũng là "thiểu số" khi chỉ có 16% số người đồng ý rằng Trung Quốc là "một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại và muốn biến khu vực Đông Nam Á thành khu vực thuộc tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh."

Trong khi đó, trung bình có 41,7% số người dân ở các nước khác trong khu vực nhất trí về câu hỏi này. Khoảng 29,6% người Campuchia cho biết họ “rất tin tưởng” Trung Quốc sẽ “làm điều đúng đắn” để đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu, tăng so với mức 3,8% của khảo sát năm 2021.

Ông Bradley Murg - học giả nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Hợp tác và Hòa Bình Campuchia - đánh giá: "Các kết quả khảo sát cho thấy sự thay đổi to lớn trong nhận thức của người dân Campuchia về Mỹ và Trung Quốc trong vòng một năm qua. Phnom Penh dường như trở thành một bên khác biệt so với các nước thành viên còn lại của ASEAN về vấn đề này."

Ông Murg cũng cho rằng điều thú vị nhất là đối với một loạt câu hỏi, rất khó để xác định "quan điểm của Đông Nam Á" về Trung Quốc và Mỹ do có sự khác biệt đáng kể giữa quan điểm của các nước thành viên khi đặt câu hỏi này đối với người dân từng nước riêng rẽ.

Số người Philippines và số người Việt Nam lựa chọn Trung Quốc chứ không chọn Mỹ đã tăng đôi chút trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, đại đa số người được hỏi từ các quốc gia này vẫn ủng hộ Washington. Đáng chú ý, tỷ lệ người dân Indonesia chọn Trung Quốc đã tăng từ 35,7% lên 44,3%.

Trong khi đó, số người Myanmar, Singapore, Malaysia và Thái Lan ủng hộ Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong vòng một năm qua, từ 51,9% vào năm 2021 xuống còn 8% trong khảo sát năm nay.

Hiện nay, hơn 2/3 người dân Campuchia và Lào cho rằng ASEAN cần đứng về phía Trung Quốc. Phần lớn người dân Brunei cũng đồng quan điểm này. Trong khi đó, hơn 2/3 người dân Myanmar, Philippines và Singapore cho rằng ASEAN cần đứng về phía Mỹ.

Dường như những nước "kinh điển" về chính sách "phòng bị nước đôi" như Singapore và Malaysia đang ngày càng nghiêng về phía Washington nhiều hơn.

Khoảng 50% số người được hỏi trong cuộc khảo sát lần này vẫn cho rằng ASEAN cần "nâng cao tính bền vững và gắn kết để có thể chống đỡ trước sức ép của hai siêu cường."

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng lựa chọn tốt nhất là tìm kiếm "những bên thứ ba" để mở rộng những lựa chọn và khả năng hoạt động mang tính chiến lược cho ASEAN.

Trong số đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là sự lựa chọn đầu tiên để trở thành một "bên thứ ba", giúp đem lại nhiều lựa chọn hành động đa dạng cho ASEAN mặc dù số người lựa chọn EU đóng vai trò này đã sụt giảm nhẹ. Nhật Bản vẫn đứng thứ hai trong vai trò là "bên thứ ba" song sự ủng hộ đối với Tokyo đã sụt giảm xuống 29,2% từ mức 37%.

Tất cả những vấn đề trên đã chỉ ra điều mà giới phân tích gọi là tình trạng không chắc chắn ngày càng lớn hơn trong số các quốc gia Đông Nam Á đối với cách thức đối phó với cuộc đối địch Mỹ-Trung ngày càng nguy hiểm hơn.

Những kết quả khảo sát trên cũng cho thấy mối quan ngại của các nước Đông Nam Á về mức độ phù hợp của ASEAN khi giải quyết những vấn đề đáng kể này. Khoảng hơn 70% số người được hỏi cho rằng ASEAN tỏ ra "chậm chạp và không hiệu quả, do đó, không thể đối phó được với những diễn biến kinh tế và chính trị bất ổn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục