Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Mục tiêu của Đề án là xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị một cách tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ, khoa học và hiện đại.
Toàn cảnh Lễ khai giảng năm học 2020-2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026.”

Đề án trên được tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bao gồm Trung tâm Học viện, các Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị một cách tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, cập nhật và hiện đại (gồm khung chương trình, cấu trúc nội dung chuyên đề, bài giảng, giáo trình giảng dạy, giáo án điện tử...), đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

[Ra mắt Liên chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia HCM]

Những chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được xây dựng mới là: Các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho một số đối tượng khác và cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Đề án cũng thực hiện xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo lý luận chính trị và chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm: Các chương trình đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị cho các đối tượng của hệ thống chính trị; các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và tương đương, cấp huyện và tương đương...

Nhiệm vụ mà Đề án đặt ra là nghiên cứu tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nước và quốc tế; xây dựng mới và hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi cả nước.

Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng các cấp; xây dựng mới các chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống giáo trình mới, phương pháp, kỹ năng giảng dạy và xây dựng một số học phần trên hệ thống giáo án điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục