Đối thoại chính sách về an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 21/8, tại Cần Thơ, PPFS tổ chức họp thường niên trong Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách về an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự phiên họp chụp ảnh chung. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 21/8, tại Cần Thơ, Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS) tổ chức cuộc họp thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Pruthipong Poonthrigobol, Trưởng Nhóm Diễn đàn đồng chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp có sự tham dự của phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

[Họp Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC]

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, biến đổi khí hậu hiện là vấn đề chung của thế giới với diễn biến ngày càng nhanh và cực đoan trên mức dự kiến gây ra nhiều xáo trộn lớn cho ngành nông nghiệp toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó, Việt Nam với hơn 70% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông là quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam hơn 37.600 tỷ đồng; trong đó, nghiêm trọng nhất là đợt rét đậm, rét hại lịch sử tại khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán kỷ lục tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo dự đoán của Tổng cục Thủy lợi, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam sẽ tăng từ 2-3 độ C; 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 16% diện tích đồng bằng sông Hồng cùng các địa phương ven biển khác sẽ lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng nếu các biện pháp phòng bị, ứng phó với biến đổi khí hậu không được thực hiện kịp thời.

Ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong nước và an ninh lương thực toàn vùng, Việt Nam mong muốn phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC tìm kiếm một giải pháp hiệu quả mang tính khu vực.

Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn hợp tác hỗ trợ, chuyển giao về mặt công nghệ, kỹ thuật để thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, áp dụng các mô hình khí tượng nông nghiệp hiện đại vào hoạt động sản xuất và tạo ra một môi trường chính sách hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi và sinh kế của người nông dân.

Ông Pruthipong Poonthrigobol, Trưởng Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực khẳng định: PPFS hoàn toàn thống nhất với các đề xuất của Việt Nam và sẽ tích cực tham vấn, thảo luận với đại biểu các nền kinh tế thành viên trong chương trình làm việc để áp dụng khung chiến lược chung APEC nhằm đảm bảo an ninh lương thực khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu, tầm nhìn đến năm 2020.

Đặc biệt, APEC đặt mục tiêu kiến tạo chuỗi lương thực bền vững mang tính toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Theo chương trình, cuộc họp diễn ra đến ngày 22/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục