Tối 2/6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 16 đã khai mạc tại Singapore.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có bài phát biểu khai mạc dẫn đề tại diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương này.
Trong bài phát biểu trước nhiều lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Turnbull cho biết khu vực đang quan ngại việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc Washington rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.
[Đối thoại Shangri-La thảo luận chính sách châu Á của Tổng thống Trump]
Bày tỏ thất vọng trước những quyết định của Chính phủ Mỹ, song Thủ tướng Australia cũng kêu gọi cộng đồng thế giới không nên vội vàng tự suy diễn các sự kiện đang diễn ra.
Thủ tướng Turnbull cũng kêu gọi Trung Quốc nắm lấy vai trò lãnh đạo trách nhiệm hơn. Theo ông, Bắc Kinh có thể đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay mọi chú ý đều đổ dồn vào Mỹ, với hy vọng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ làm rõ chính sách an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Washington trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể vào sáng 3/6 có chủ đề là “Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương.”
Trước đó, trên đường tới Singapore, Bộ trưởng James Mattis cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến một “trật tự thế giới” cần thiết cho hòa bình tại châu Á, ngụ ý nhắc đến hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên.
Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm ngoái đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và sẽ trở thành vấn đề hàng đầu của Đối thoại Shangri-la năm nay. Vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về “các biện pháp tránh xung đột trên biển.”
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức, thay vì sáu phiên như dự kiến ban đầu, bao gồm Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; Xây dựng nền tảng an ninh khu vực chung; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến hiểm họa hạt nhân đe dọa châu Á-Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển./.