Đối thủ của Sáng kiến Vành đai và Con đường đang tăng tốc?

Gần một thập kỷ sau khi BRI của Trung Quốc xây được nhiều đường cao tốc, sân vận động và cảng, những dấu hiệu đầu tiên của một đối thủ đang xuất hiện, là sáng kiến “Ấn Độ Dương-TBD tự do và rộng mở.”

Gần một thập kỷ sau khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã xây dựng được nhiều đường cao tốc ở Pakistan, sân vận động ở Qatar và cảng ở Sri Lanka, những dấu hiệu đầu tiên của một đối thủ cạnh tranh đang xuất hiện, đó là sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Mỹ và Nhật Bản ủng hộ.

Nhận định trên được nhật báo The Sydney Morning Herald (SMH) của Australia đưa ra vừa qua cùng với thông tin cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu ra một ý tưởng mới: “Các nước có tư tưởng dân chủ như Mỹ và Anh nên giúp tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước kém giàu có hơn.”

Theo SMH, đề xuất trên của Washington được đưa ra 8 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Kazakhstan để thông báo Bắc Kinh sẽ bắt tay vào dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, BRI trị giá 1.500 tỷ USD, trải dài khắp châu Á, Thái Bình Dương và châu Âu. Khi đó, sáng kiến này có tên gọi là “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.”

Với BRI, Trung Quốc đã đưa ra một tầm nhìn tổng thể vượt xa một phương Tây thiển cận, cho dù sáng kiến này có những khởi đầu sai lầm, gây ra các bẫy nợ và nhiều dự án dở dang. Nhờ BRI, Trung Quốc đã thuyết phục hàng chục quốc gia đang phát triển ủng hộ các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế của mình.

Tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, 64 quốc gia đã ra tuyên bố chung ủng hộ các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi nước này bị Mỹ cáo buộc tội diệt chủng và 71 quốc gia ủng hộ quyền thực hiện Luật An ninh quốc gia ở Hong Kong.

Trong khi đó, khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” lần đầu tiên được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra tại Kenya vào năm 2016, với ý tưởng đề cao các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế thông qua mạng lưới giao lưu nhân dân và phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng như cảng biển, đường sắt, đường bộ, năng lượng và công nghệ.

Mặc dù ý tưởng trên không nhận được nhiều sự quan tâm từ các đối tác lớn khác, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh việc thực hiện, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi họ đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong suốt 4 năm cầm quyền nhưng lại thiếu quan tâm đối với các khoản viện trợ hoặc đầu tư thực tế có thể giúp giảm thiểu phần nào ảnh hưởng của cường quốc châu Á này. Tokyo cũng thất vọng với Canberra.

[Hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở]

Viện trợ của Australia cho Đông Nam Á và Đông Á đã giảm khoảng 384,7 triệu USD, tương đương 29,8%, trong 5 năm qua. Sự sụt giảm này cũng đã giúp mở rộng cánh cửa cho ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Giờ đây, Campuchia là “người bạn đáng tin cậy nhất” của nước này.

Vào đầu năm 2020, có 7 dự án lớn đã được hoàn thành theo sáng kiến của Nhật Bản, các đường hầm ở Việt Nam, một cây cầu ở Lào và một đường cao tốc ở Campuchia. Nhiều công trình đang được nhắm tới nhưng so với sáng kiến rộng lớn của Trung Quốc, sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vẫn còn sơ khai.

Tuy nhiên, cuộc điện thoại của Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Anh Borish Johnson báo hiệu một sự thay đổi. Một tuần sau đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục cuộc thảo luận trong các cuộc gặp với Thủ tướng Scott Morrison của Australia, Yoshihide Suga của Nhật Bản và Narendra Modi của Ấn Độ. Cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ (Quad) nhấn mạnh đến khuôn khổ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Giờ đây, Mỹ và Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc xây dựng các hướng dẫn phát triển cơ sở hạ tầng trong toàn khu vực. Công nghệ 5G và năng lượng khí hydro sẽ là những ưu tiên hàng đầu. Các hướng dẫn cũng sẽ bao gồm các điều kiện tiên quyết để đầu tư, các hệ thống thực hiện các dự án và các khuyến nghị về việc bồi dưỡng nhân tài địa phương. Họ cũng sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mua sắm và các hạn chế về rò rỉ bí quyết công nghệ.

Thủ tướng Scott Morrison đánh giá: “Khi các chính phủ xích lại gần nhau ở cấp cao nhất thì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ càng được đảm bảo.”

Mới đây, chính phủ liên bang Australia đã hủy bỏ thỏa thuận tham gia BRI năm 2018 của chính quyền bang Victoria, một động thái cho thấy nước này sẽ dựa nhiều hơn vào các thành viên khác của Nhóm Bộ Tứ để phục hồi kinh tế.

Chuyên gia thương mại Jeffrey Wilson của Trung tâm Perth USAsia cho biết, các cuộc tấn công thương mại không ngừng của Trung Quốc trong hơn một năm qua đã khiến Australia có tham vọng hơn trong chính sách đối ngoại của mình, nhận ra sự nguy hiểm của BRI và nhu cầu về một giải pháp thay thế khả thi thông qua sáng kiến thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt.

Ông Wilson lý giải sáng kiến trên đã có từ khá lâu nhưng chưa triển khai được do thiếu sự ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump và bày tỏ hy vọng sẽ có một số hoạt động được triển khai trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục