Mỹ đề cao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Tổng thống Mỹ khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều thiết yếu đối với tương lai của các nước này, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các đối tác trong nhóm "Bộ Tứ."
Mỹ đề cao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ Tứ" gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.

Hội nghị diễn ra trực tuyến theo đề xuất của Mỹ. Theo giới phân tích, điều này cho thấy tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Do đó, mở đầu hội nghị, Tổng thống Biden cũng đã khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều thiết yếu đối với tương lai của các nước này, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các đối tác trong nhóm "Bộ Tứ," cũng như với các nước trong khu vực nhằm đạt được ổn định.

[Nhóm Bộ Tứ tăng năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19]

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ mong muốn cả 4 nước đều nỗ lực hơn nữa nhằm hướng tới mục tiêu hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, trong đó có việc vượt qua đại dịch COVID-19.

Australia và Ấn Độ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh trong khu vực.
Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, trọng tâm của hội nghị là việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đó, nhóm "Bộ Tứ" đã khởi động một nỗ lực chung nhằm gia tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đơn liều của Johnson&Johnson (Mỹ), với sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản, trong khi Australia phụ trách việc vận chuyển, như một phần trong sáng kiến của nhóm "Bộ Tứ" này.

Giới quan sát nhận định sáng kiến này sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp vaccine đáng tin cậy. Hiện Ấn Độ đang sản xuất 60% lượng vaccine trên thế giới.

Bên cạnh kế hoạch triển khai vaccine, các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản được cho là sẽ thảo luận về tình hình Biển Đông cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.