Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), ngày 12/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm và tuyên phạt đối tượng Phạm Thị Thuận, trú tại huyện Thăng Bình 5 năm tù giam và 60 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/12/2019, bà Thuận đã bị tuyên phạt 2 năm tù giam và 60 triệu đồng.
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thăng Bình đã kháng nghị, đề nghị tăng nặng mức hình phạt với bị cáo này.
Hai năm trước (ngày 8/5/2018), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kiểm tra nhà bà Phạm Thị Thuận và phát hiện nuôi nhốt trái phép nhiều cá thể động vật hoang dã bất hợp pháp, trong đó có 13 cá thể rắn hổ mang chúa, 8 cá thể kỳ đà vân, gần 300 cá thể rùa cùng rất nhiều loài động vật hoang dã khác.
Chồng bà Thuận là Nguyễn Văn Kinh - người đứng tên đăng ký cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường. Trước đó, năm 2011 và 2013, bà Thuận đã 2 lần bị xử phạt hành chính vì hành vi nuôi nhốt, tàng trữ động vật hoang dã trái phép.
Hiện tình trạng sử dụng các cơ sở đăng ký gây nuôi để làm “vỏ bọc” hợp pháp cho các hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại một số tỉnh, thành phía Nam.
Theo một khảo sát của ENV năm 2014-2015, cả 26 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có quy mô lớn được khảo sát đều có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên ở các mức độ khác nhau.
Các đối tượng thường mua động vật hoang dã từ các nguồn bất hợp pháp, sau đó “phù phép” động vật hoang dã trở thành hợp pháp, trước khi được công khai lưu thông trên thị trường.
Việc “tăng đàn” thường được các đối tượng thực hiện bằng cách khai khống số lượng động vật hoang dã được sinh sản và sinh trưởng tại cơ sở, mua bán giấy phép vận chuyển giữa các cơ sở.
[Ra mắt ấn phẩm hướng dẫn thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã]
Bản án tù 5 năm dành cho đối tượng Phạm Thị Thuận tại Quảng Nam sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng đã và đang sử dụng các trại nuôi làm vỏ bọc để thực hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Trong bối cảnh này, công tác đấu tranh, điều tra, phát hiện và xử nghiêm minh các vi phạm tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã không những góp phần giảm thiểu tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép, mà còn hạn chế sự tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã, giảm nguy cơ lan truyền các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã sang người./.