Đón lõng tâm lý người tiêu dùng, cứ vào dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là lúc giới buôn lậu trà trộn hàng giả, hàng nhái vào thị trường.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và nhất là dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Thời điểm vàng cho buôn lậu
Mặc dù vẫn đang trong tháng 11 nhưng thị trường đã bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa chào đón Giáng sinh và Tết Dương lịch. Do vậy, lượng hàng hóa lưu thông cũng tăng mạnh, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, theo giới phân tích đây là thời điểm nhạy cảm nhất trong năm bởi các tiểu thương phải nhập một khối lượng hàng lớn để cung ứng cho người tiêu dùng.
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), vào dịp cuối năm các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, quặng titan, quặng sắt với các hình thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, sự thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng.
Đối tượng buôn lậu thường dùng thủ đoạn vận chuyển truyền thống là xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhẹ từ biên giới vào sâu nội địa, đan xen hàng hóa có xuất hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn); Móng Cái, khu kinh tế mở Quảng Ninh.
Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử...; các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc… Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam Bộ.
Buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc… vẫn còn xảy ra, chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng… Bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt vẫn tiếp diễn.
Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng..., các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
[Triển khai chiến dịch chống buôn lậu tại khu vực biên giới Việt-Trung]
Trong thị trường nội địa, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra và chủ yếu là ở các tỉnh, thành phố lớn, sức tiêu thụ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng có chiều hướng gia tăng nhất là trong các dịp lễ Tết cuối năm này.
Siết chặt kỷ cương
Để ngăn chặn tình trạng này và giữ ổn định thị trường cho người tiêu dùng trong dịp cuối năm, Tổng Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Chi Cục và lực lượng Quản lý thị trường địa phương xây dựng phương án, kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trên các địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự. Bên cạnh đó, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Tại địa bàn Quảng Ninh, các Chi cục đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình kinh doanh không đúng quy định của pháp luật, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm.
Song song với công tác kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về các quy định của pháp luật trong hoạt động hương mại, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao ý thức người dân, từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2018, ông Trịnh Văn Ngọc - Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý thị trường, cho biết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tổng Cục sẽ nghiên cứu và đưa ra các nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi, chủ động tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tuy nhiên, để làm tốt được công tác này, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng quản lý thị trường để có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Trong đó, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là chuẩn bị cho đón Tết Mậu Tuất 2018 như mặt hàng nông sản, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát… nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng./.