Động đất xảy ra liên tiếp tại A Lưới có thể do đới đứt gãy

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Đình Triều, việc xảy ra liên tiếp động đất ở huyện A Lưới, Hương Trà có thể do đới đứt gãy tăng cường hoạt động.
Vết nứt trên tường nhà dân do động đất gây ra. (Ảnh minh họa. Lê Lâm/TTXVN)

Việt Nam được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là một trong những quốc gia có đứt gãy hoạt động tương đối bình ổn..

Tuy vậy, trong thời gian vừa qua một số khu vực có đứt gãy thường xuyên xảy ra động đất khiến chính quyền và nhân dân vùng xảy ra và bị ảnh hưởng từ động đất và các dư chấn không khỏi băn khoăn lo lắng.

Vì sao động đất xảy ra liên tiếp tại A Lưới

Có 6 trận động đất xảy ra chỉ riêng trong tháng 12/2015 - đó là thông tin được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đưa ra về tình hình động đất tại khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những trận động đất này có đặc điểm chung là cường độ nhỏ và độ sâu chấn tiêu nông. Cường độ cao nhất đo được tại khu vực A Lưới đạt 4,7 độ Richter xảy ra vào 15/5/2014.

Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cho biết tại khu vực chạy qua Thừa Thiên-Huế có một đứt gãy hoạt động. Đứt gãy này theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, trải dài từ phía Lào qua Thừa Thiên-Huế đến Bình Định. Việc xảy ra liên tiếp động đất ở huyện A Lưới, Hương Trà có thể do đới đứt gãy này tăng cường hoạt động.

Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Đình Triều cũng nhận định không ngoại trừ khả năng động đất xảy ra tại Thừa Thiên-Huế thời gian qua là động đất kích thích, giống như động đất từng xảy ra tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam năm 2012. Động đất này xảy ra khi có tác động của hồ chứa trên nền đứt gãy hoạt động khiến cho năng lượng tích lũy được giải phóng sớm, gây ra động đất..

Động đất kích thích dễ xảy ra nếu các đập chứa có sự thay đổi mức nước cao thấp quá nhanh. Huyện A Lưới hiện có hồ thủy điện A Lưới tích nước từ hai năm nay với dung tích hồ chứa 60,2 triệu m3. Do hiện nay tại khu vực A Lưới mới chỉ có một trạm quan trắc nên các chuyên gia không có đủ dữ liệu để kết luận về nguyên nhân chính xác của động đất tại A Lưới.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Trịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng vùng Thừa Thiên-Huế đang có dấu hiệu của đứt gãy hoạt động nên có khả năng phát sinh những trận động đất tại đây..

Các nhà khoa học của Tổng hội Địa chất Việt Nam đã đánh giá động đất cực đại tại khu vực này có thể đạt tới 5,7 độ Richter. Thông tin này đã được công bố tại cuốn sách “Nghiên cứu tai biến địa chất vùng Thừa Thiên-Huế bằng tích hợp công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý.”

Chú trọng công tác dự báo, nghiên cứu động đất

Các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu động đất của Việt Nam cho rằng, động đất ở Việt Nam có khả năng mạnh nhất ở vùng Tây Bắc Việt Nam và có thể lên tới hơn 7 độ Richter. Các đứt gãy hoạt động điển hình chính là đứt gãy Điện Biên, đứt gãy rìa trái Sông Đà, những vùng khác là dọc đứt gãy Sông Cả và có xu hướng giảm dần về phía Nam như khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Như vậy, rõ ràng Việt Nam tiềm tàng nguy cơ xảy ra động đất với cường độ mạnh. Kèm theo đó sẽ là cảnh báo sóng thần.

Lịch sử động đất nước ta cũng từng thống kê nhiều trận động đất cường độ mạnh xảy ra trước đây như trận động đất 6,75 độ Richter tại Điện Biên năm 1935 với nguyên nhân là do sự đứt gãy của đới sông Mã; trận động đất 6,8 độ Richter ở Tuần Giáo năm 1983 với nguyên nhân chính là do sự đứt gãy của tầng địa chất ở khu vực Sơn La-Tuần Giáo. Các trận động đất trên đều gây thiệt hại về tài sản.

Trong vài năm gần đây, tần suất xảy ra động đất cường độ nhỏ ngày càng thường xuyên. Điển hình như chuỗi động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam, động đất tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu….

Những trận động đất này về cơ bản là không gây thiệt hại đáng kể nhưng lại khiến nhiều người dân sống quanh khu vực tâm chấn cảm thấy bất an, lo lắng và làm xáo trộn những hoạt động xã hội khác.

Mặc dù những trận động đất ở nước ta từng được ghi nhận đều không gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản nhưng có thể nhận thấy những biến đổi ngày càng khó lường của thiên nhiên. Bởi vậy công tác dự báo, đo lường, nghiên cứu về động đất, sóng thần cần phải được hoàn thiện và chính xác, kịp thời nhất có thể.

Các cơ quan nghiên cứu động đất cần có những phương án cụ thể để ứng phó với thảm họa ở tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra. Đặc biệt tại những khu vực có thủy điện, cần có phương án nghiên cứu, triển khai thi công hợp lý nhằm tránh tối đa tình trạng xảy ra động đất kích thích, dư chấn, gây hoang mang trong dư luận.

Đối với người dân, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi xảy ra động đất, mọi người cần nhanh chóng tìm cho mình những nơi trú ẩn an toàn. Nếu đang ở trong nhà, nên tìm những nơi như gầm bàn, gầm ghế còn nếu ở ngoài trời, cần thiết nhất là tránh các khu vực nhà cao tầng..

Riêng đối với cảnh báo về sóng thần, nếu có hiện tượng này xảy ra, người dân cần tìm cách di chuyển càng xa khu vực bờ biển càng tốt và tìm đến những vùng cao ráo, an toàn…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục