Đồng Nai: Hồ thủy điện Trị An cạn trơ đáy, ngư dân nuôi cá bè gặp khó

Những ngày gần đây, mực nước ở hồ Trị An luôn ở mức thấp, thậm chí có thời điểm mực nước đo được là 50,5m, chỉ cách "mực nước chết" khoảng 0,5m, lòng hồ rộng lớn khô cạn, trơ đáy.
Nước hồ rút cạn, lòng hồ tạo nên những vết nứt như hoang mạc. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Hồ thủy điện Trị An rộng 32.000ha là nơi hàng nghìn hộ dân mưu sinh bằng nghề nuôi cá bè và đánh bắt thủy sản.

Thời gian qua, mực nước của hồ Trị An giảm sâu nhất trong khoảng 13 năm, tiệm cận "mực nước chết," gây khó khăn rất lớn cho hoạt động nuôi và đánh bắt thủy sản trên hồ.

Theo Công ty Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), những ngày gần đây, mực nước ở hồ Trị An luôn ở mức thấp, thậm chí có thời điểm mực nước đo được là 50,5m, chỉ cách "mực nước chết" khoảng 0,5m, lòng hồ rộng lớn khô cạn, trơ đáy, nguồn nước còn lại tập trung thành những con sông, suối nhỏ.

Mặc dù đã có những cơn mưa đầu mùa nhưng lượng nước trong hồ Trị An vẫn không thay đổi nhiều, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý, bảo vệ hồ và đời sống dân sinh nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, 52 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu cho biết ông đã mưu sinh trên hồ Trị An bằng nghề đánh bắt thủy sản được hơn 20 năm. Tuy nhiên, chưa có năm nào nước lòng hồ rút cạn như năm nay.

Những năm trước, đến cuối mùa khô, diện tích mặt nước còn rộng, ngư dân vẫn có nguồn thu nhưng năm nay, nước hồ rút sâu, nguồn cá không còn nên đời sống ngư dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn vì hầu như không có thu nhập.

[Đồng Nai: Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam cận mực nước chết]

“Trước đây vào mùa khô, mỗi ngày tôi vẫn đánh bắt được khoảng 10-20kg cá trên hồ Trị An, thu nhập vẫn ổn định. Nhưng mùa khô năm nay, do nước hồ xuống thấp, nhiều loại thủy sản cũng bị mắc cạn, chết một lượng lớn dẫn đến mỗi ngày chỉ đánh bắt được khoảng 3-7kg cá, thu nhập trở nên bấp bênh, không đủ chi tiêu," ông Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ.

Tương tự, tại làng nuôi cá bè trên hồ Trị An, đoạn xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, các ngư dân ở đây cũng đang trong tình trạng lao đao vì nước xuống thấp, cá giống thả xuống bị chết, hao hụt nhiều. Nhiều chủ bè cá phải chuyển hướng sang đi câu, giăng lưới để kiếm thêm thu nhập.

Theo bà Lê Thị Phiên, hộ nuôi cá bè tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mấy lứa cá giống của gia đình bà thả xuống đều thiệt hại vì nguyên nhân nước rút sâu, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.

Một gốc cây trơ trụi lộ ra giữa lòng hồ Trị An khi nước rút cạn cận mực nước chết. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Nhiều hộ nuôi cá bè ở khu vực này đang gánh nợ vì lứa cá giống vừa thả xuống bị mất trắng và hiện tại các hộ dân cũng chưa dám tính đến chuyện thả lứa mới.

“Gia đình tôi mới thả 20.000 con cá giống mà đã bị chết gần hết bè cá vì nước cạn đục, cá không sống được. Cá cứ thả xuống là chết trắng, nổi lên rất nhiều nên chúng tôi lại phải vớt đổ bỏ hết. Tính ra, cá trong bè của nhà tôi chết gây thiệt hại gần 40 triệu đồng. Nhiều nhà có cá bị chết nên không ai dám thả thêm cá giống nữa,” bà Lê Thị Phiên cho hay.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu, những đợt nắng nóng cao điểm vừa qua đã khiến hồ Trị An cạn nước, gây nhiều khó khăn cho các hộ nuôi cá bè trong khu vực. Những ngày gần đây, mặc dù đã có một số cơn mưa lớn, lượng nước hồ có tăng nhưng với tình hình nước hồ như hiện tại, phải chờ vài tháng nữa nguồn nước mới ổn định để thả lứa cá mới.

Một góc hồ Trị An cận mực nước chết, lộ lên những mô đất dưới lòng hồ. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Dự báo, người nuôi cá bè năm nay sẽ bị lỡ mất một vụ nuôi, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Phước, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết mùa khô năm nay, mực nước hồ Trị An không chỉ cạn hơn so với mọi năm mà thời gian rút nước cũng khá dài.

Khi mực nước xuống thấp thì lòng hồ sẽ có những bãi cạn, eo ngách nên đã có nhiều đối tượng sử dụng ngư cụ cấm để thực hiện khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ hồ.

Ngoài ra, vào mùa nước cạn, diện tích đất bán ngập tạo thành những bãi bồi rất lớn nên nhiều người dân ở các tỉnh, thành khác đến vui chơi, cắm trại tự phát, hoạt động này gây khó khăn trong quản lý của khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, nhiều người ý thức kém nên xả rác thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực lòng hồ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục