Theo trang mạng eurasiareview, mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc nỗ lực cài đặt lại quan hệ sau khủng hoảng biên giới Doklam thông qua hội nghị thượng đỉnh không chính thức Vũ Hán (4/2018), các cuộc gặp bên lề Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị Nhóm BRICS (7/2018) hay việc Thủ tướng Ấn Độ Modi không để New Delhi tham gia bất kỳ nhóm hay chính sách nào nhằm kìm hãm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore (1/6/2018), nhưng New Delhi vẫn trong tư thế tăng cường phòng thủ để đối phó với những hành động gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và dọc biên giới Himalaya.
Trung Quốc không chỉ có căn cứ hải quân ở Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi, mà theo nhiều nguồn thông tin, các tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc thường ghé thăm cảng ở Colombo (Sri Lanka).
Tại Maldives, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn mạnh nhưng được cho là nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ tại quốc đảo này.
Trong khi Trung Quốc và Pakistan đang phát triển Cảng Gwadar như là phần nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan - đơn thuần chỉ là một dự án thương mại - nhưng có những thông tin cho rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân tại cảng này.
Nepal dù đã từ chối tham gia cuộc tập trận quân sự chung lần đầu tiên do New Delhi đề xuất trong khuôn khổ BIMSTEC (Sáng kiến vùng Vịnh Bengal vì hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực), nhưng nước này vẫn bày tỏ sự sẵn sàng tham gia cuộc tập trận quân sự chung Sagarmatha Friendship-2 kéo dài 12 ngày.
Ở Sri Lanka, chính phủ Sirisena được cho là thân với Ấn Độ nhưng dưới sức ép vay nợ của Trung Quốc buộc phải cho Bắc Kinh thuê lại cảng Hambantota trong thời gian 99 năm.
Điều này cho thấy ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc cũng như càng củng cố những cảm nhận của Ấn Độ về những mối đe dọa ở Ấn Độ Dương và khu vực Nam Á.
[Trung Quốc, Ấn Độ cam kết giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm]
Ấn Độ, tuy không công khai ủng hộ bất kỳ chiến lược chống Trung Quốc nào, nhưng thỏa thuận quốc phòng được ký giữa Ấn Độ và Mỹ (Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc - COMCASA) ngày 6/9/2018 tại cuộc đối thoại 2+2 không chỉ được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng chủ chốt của quân đội Ấn Độ có thể truy cập vào các hệ thống thiết bị an ninh liên lạc tinh vi, được mã hóa từ Mỹ và chấm dứt sự phụ thuộc vào hệ thống thông tin liên lạc thương mại ít an toàn trên các nền tảng đầu cuối của Mỹ, mà còn quan trọng hơn, kết quả chiến lược song phương này dường như phản ánh quan điểm chung giữa Mỹ và Ấn Độ trong theo dõi chặt chẽ những động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và khu vực Himalaya.
Hiệp ước COMCASA sẽ cho phép chia sẻ thông tin kỹ thuật, phối hợp hoạt động giữa các lực lượng hải quân và vũ trang của hai nước. Mỹ có thể sẽ thông báo hay hướng dẫn các hoạt động quân sự của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Nam Á không chỉ nhằm kiềm chế những tham vọng chiến lược ngày một gia tăng của Trung Quốc dưới Sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà còn để thúc đẩy ảnh hưởng của chính mình.
Việc Ấn Độ giảm bớt sự nghi ngờ của Trung Quốc có thể đã thuyết phục được Mỹ trong tuyên bố chung duy trì vai trò trung tâm ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung nêu rõ: “Cả hai bên cam kết làm việc cùng nhau và phối hợp với các đối tác khác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, dựa trên việc công nhận vai trò trung tâm ASEAN và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp, quản lý tốt, thương mại tự do và công bằng, tự do hàng hải và hàng không.”
Ấn Độ khẳng định thỏa thuận này chủ yếu là nhằm kìm hãm mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và khu vực Himalaya trong bối cảnh chiến lược “chuỗi ngọc trai” đã trở nên rõ ràng hơn sau khi các tàu ngầm Trung Quốc bắt đầu đi ngang qua Ấn Độ Dương và căng thẳng Doklam kéo dài 73 ngày tại ngã ba chiến lược Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc dọc khu vực Himalaya.
Sau căng thẳng biên giới Doklam, những thông tin về các vụ xâm nhập của Trung Quốc qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) đã giảm dù vẫn thỉnh thoảng diễn ra.
New Delhi đã đánh giá thỏa thuận này rất quan trọng cho dù có những lo ngại về pháp lý mà có thể sẽ làm giảm quyền tự trị chiến lược của Ấn Độ khi cho phép Mỹ xâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc quốc phòng của mình.
Trước đó, Ấn Độ hầu như không quan tâm đến việc củng cố cấu trúc tứ giác gồm Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia, về cơ bản như một biện pháp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
New Delhi đã có quan điểm mở rộng về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi bày tỏ mong muốn làm việc với Nga và các quốc gia thành viên ASEAN để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trong đối thoại 2+2, Ấn Độ đã bày tỏ sẵn sàng tham gia các dự án phát triển cơ sở hạ tầng do Mỹ đi đầu để đối phó với Sáng kiến BRI do Trung Quốc tài trợ.
Ví dụ, tuyên bố chung lưu ý: “Nhận thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng và kết nối cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cả hai bên cần nhấn mạnh nhu cầu làm việc tập thể với các nước đối tác khác để hỗ trợ cho các hoạt động tài chính cho vay một cách ổn định, có trách nhiệm và minh bạch để phát triển cơ sở hạ tầng.”
Chính quyền Trump đã cho thấy sự quyết tâm trong việc thúc đẩy vai trò của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kìm chế các tham vọng chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.
Trong khi các nước khu vực xem xét chiếc ô an ninh của Mỹ với sự ngờ vực do các nguồn lực và cam kết của Mỹ với khu vực này thay đổi thất thường sau sự kiện 11/9/2001, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã giảm bớt sự nghi ngờ này bằng cách thông báo khoản đầu tư 113 triệu USD vào các sáng kiến mới về công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng sau cam kết của ông cung cấp 300 triệu USD tài trợ cho an ninh khu vực.
Ấn Độ, mặc dù dường như muốn rút khỏi các sáng kiến của Mỹ như tuyên bố chung nêu ra nhưng New Delhi vẫn muốn theo đuổi một quan điểm trung lập, tránh đưa ra những tuyên bố chống Trung Quốc.
Việc Ấn Độ lo ngại trước "khái niệm về mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc" có thể thấy rõ qua bản tin của hãng thông tấn Nga Sputnik về việc Ấn Độ sẵn sàng mua hệ thống máy bay hoa tiêu tầm xa có thể hoạt động ở độ cao hơn 5.500m so với mực nước biển nhằm phát hiện các hoạt động quân sự dọc dãy núi biên giới với Trung Quốc.
Động thái của Ấn Độ trong việc tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội dường như nằm trong xu hướng nhằm đối phó với “khái niệm về mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc" ở Ấn Độ Dương và khu vực Himalaya./.