Các nguồn tin của Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên sáng sớm 25/3 đã phóng một số vật thể được cho là tên lửa ra biển Nhật Bản.
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên đã phóng hai vật thể chưa xác định, trong khi phía Nhật Bản cho rằng đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo, tức là vi phạm nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn cấm Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cho tới tối 25/3, Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước các thông tin của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau thông báo trên, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều triệu tập họp Hội đồng an ninh quốc gia cũng như duy trì phối hợp chặt chẽ với đồng minh Mỹ.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã kêu gọi các bên duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn bởi điều này đáp ứng lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, giới phân tích từng dự báo rằng Triều Tiên có thể tiến hành một số hoạt động nhằm "thể hiện thái độ" sau khi Mỹ và Hàn Quốc ngày 18/3 vừa qua kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mùa Xuân kéo dài chín ngày mang tên Huấn luyện Bộ Chỉ huy hỗn hợp (CCPT).
Lâu nay, Triều Tiên luôn cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn thể hiện sự thù địch đối với Bình Nhưỡng, là “cuộc tổng duyệt để chuẩn bị chiến tranh."
Trên thực tế, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên phần nào được quản lý bằng chiến lược "đình chỉ kép," trong đó Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, còn Hàn Quốc và đình chỉ các cuộc tập trận chung.
Dù cuộc tập trận chung năm nay được thu hẹp quy mô do dịch COVID-19, song Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo “các cuộc tập trận chiến tranh và sự thù địch không bao giờ có thể đi cùng với đối thoại và hợp tác."
Bên cạnh đó, Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vừa tiến hành cuộc đối thoại chiến lược "2+2," trong đó Washington đã đưa ra cam kết mạnh mẽ bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương đề cao sự gắn kết với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, kể cả trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khác với chính quyền tiền nhiệm.
Đặc biệt, phía Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và tăng cường răn đe “sử dụng toàn bộ năng lực của Mỹ," đồng thời kêu gọi hai bên duy trì sẵn sàng nhằm ứng phó với “tất cả các mối đe dọa chung” thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện chung.
Điều đó được cho sẽ gây lo ngại cho Triều Tiên, vốn coi liên minh Mỹ-Hàn, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và “chiếc ô hạt nhân” Mỹ bảo đảm cho hai đồng minh Nhật-Hàn là những mối đe dọa sát sườn đối với Bình Nhưỡng.
Mỹ hiện cung cấp khả năng răn đe trên bán đảo Triều Tiên thông qua khoảng 28.500 binh sỹ đồn trú tại Hàn Quốc và "chiếc ô hạt nhân" (cả trên không và trên biển) này.
[Mỹ phản ứng về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản]
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào về Triều Tiên, dù Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đây là "vấn đề cấp bách" và Washington sẽ giữ nguyên cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng trong quá trình tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, Mỹ dự kiến sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận đối với Triều Tiên để tìm ra những lựa chọn có thể phát huy hiệu quả trong việc gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán cũng như những sáng kiến ngoại giao mang tính khả thi cao.
Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều rơi vào bế tắc từ cuối năm 2019, cách tiếp cận này khó đem lại sự đột phá.
Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định: "Chìa khóa để thiết lập mối quan hệ mới giữa Triều Tiên và Mỹ là Washington phải từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng."
Lãnh đạo Triều Tiên cam kết tăng cường năng lực răn đe hạt nhân, song không hoàn toàn đóng cửa đối thoại với Mỹ. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần nhắc lại sẽ đối xử với Mỹ theo cách “có đi có lại."
Bình luận về thông tin Triều Tiên phóng vật thể có thể là tên lửa đạn đạo, Giám đốc phụ trách chương trình nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích quốc gia tại thủ đô Washington, ông Harry Kazianis nhận định đây là thông điệp gửi tới chính quyền mới của Mỹ.
Theo ông Kazianis, thông qua những vụ thử này, Bình Nhưỡng đang báo hiệu với chính quyền Tổng thống Biden rằng năng lực và sức mạnh quân sự của Triều Tiên sẽ ngày một mạnh hơn.
Trước đó, tại lễ duyệt binh chào mừng thành công Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên ngày 14/1 vừa qua, Triều Tiên đã phô diễn nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa đạn đạo có thể phóng từ tàu ngầm và các rocket có khả năng tấn công cao.
Không ít ý kiến cho rằng động thái này dường như là cách để “thử phản ứng” của chính quyền mới ở Mỹ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông James Kim, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách ASAN (có trụ sở ở Seoul) cũng cho rằng “Thông điệp của Triều Tiên đã củng cố thêm các tuyên bố gần đây của chính quyền Bình Nhưỡng là Mỹ hãy ngừng các hành động gây hấn nếu muốn nhận được cam kết (từ Bình Nhưỡng)."
Bất luận thế nào thì các diễn biến mới nêu trên đang có nguy cơ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng. Có lẽ cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều đang đối mặt với bài trắc nghiệm về việc sẽ giải quyết những bế tắc hiện nay ra sao, khi mà đại dịch COVID-19 hoành hành hơn một năm qua gây ra những hậu quả nặng nề.
Trong thông điệp phát đi trước Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên, cũng là trước thời điểm ông Joe Biden nhậm chức, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhắc tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Trump diễn ra tại Singapore hồi năm 2018, trong đó hai bên đạt được “tuyên bố chung đảm bảo sự hình thành mối quan hệ Mỹ-Triều mới."
Ông Kim Jong-un khẳng định những thỏa thuận trước đó đã đạt được với chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể đóng vai trò là cơ sở cho những cuộc đàm phán trong tương lai.
Giới phân tích nhận định đây có thể là "gợi ý" cho chính quyền Tổng thống Biden để tìm ra cách tiếp cận thực dụng nhất nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đó có thể là một lộ trình lâu dài, theo từng giai đoạn và "có đi có lại” trên nguyên tắc “hành động đổi lấy hành động."
Chu trình thực hiện là từ thỏa thuận đến triển khai, từ triển khai đến xây dựng lòng tin và trên cơ sở lòng tin để đi đến các thỏa thuận tiếp theo. Trong đó, thỏa thuận mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại Singapore năm 2018 về cải thiện quan hệ, giải quyết hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ đóng vai trò là điểm khởi đầu cho một vòng đàm phán mới./.