Đồng Tháp đề xuất hỗ trợ dự án chống biến đổi khí hậu hơn 953 tỷ đồng

Dự án hướng tới các mục tiêu đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho vùng 5 xã thuộc cù lao Long Khánh và Long Thuận của huyện Hồng Ngự.
Vườn sầu riêng ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, gần đến ngày thu hoạch. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ngày 10/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo một số địa phương và các đơn vị có liên quan để nghe báo cáo đề xuất Dự án “Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long-tỉnh Đồng Tháp” (gọi tắt là Dự án WB11-tỉnh Đồng Tháp) với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Trương Hòa Châu đánh giá Dự án WB11 rất cần thiết cho Đồng Tháp, cần khẩn trương triển khai thực hiện để có cơ sở hạ tầng tốt, phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân, ứng phó biến đổi khí hậu.

Dự án này phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển trung tâm chế biến nông sản tại Đồng Tháp thời gian tới.

Theo đơn vị tư vấn Dự án WB11-tỉnh Đồng Tháp thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Dự án này được triển khai trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc.

Dự án hướng tới các mục tiêu đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho vùng 5 xã thuộc cù lao Long Khánh và Long Thuận của huyện Hồng Ngự, gồm: Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B, bảo đảm ổn định sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế để bảo vệ và ổn định vùng cây ăn trái, hoa kiểng thuộc các huyện thị phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp là huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc; phát triển hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, phát triển ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp.

Dự án gồm 3 hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển bền vững các cù lao trên sông Tiền và bảo vệ vùng cây ăn trái, hoa kiểng trọng điểm, bảo vệ vùng sen; nâng cao năng lực quản lý, phát triển sinh kế và kết nối thị trường; quản lý dự án.

Tổng kinh phí của dự án hơn 953 tỷ đồng, trong đó vốn ODA, vốn vay ưu đãi chiếm 85%, vốn đối ứng của tỉnh (bao gồm vốn ngân sách tỉnh và đối ứng của tư nhân) là 10%, vốn viện trợ không hoàn lại 5%.

[‘Việt Nam đã có nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu’]

Sau khi thực hiện dự án, khoảng 12.500ha vườn cây ăn trái sẽ được bảo vệ và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm chống lũ và ổn định nguồn nước cho 356ha vườn hoa kiểng, 153ha sen sẽ ổn định sản xuất và kết hợp du lịch trải nghiệm; xây dựng cống, trạm bơm kết hợp để chủ động nước tưới tiêu với 6 trạm bơm điện, 18 cống ngầm; nâng cấp hơn 150km đê bao, nạo vét 51,5km kênh để tăng khả năng dẫn nước, trữ nước nội vùng; chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa kiểng và sen dự kiến 500ha.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, các ngành liên quan cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất Dự án WB11-tỉnh Đồng Tháp. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn chỉnh nội dung đề xuất Dự án để sớm trình Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

Sau đó, lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các bộ, ngành có liên quan. Ông Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh dự án WB11-tỉnh Đồng Tháp hoàn thành càng sớm, càng tốt để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính từ Ngân hàng Thế giới.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, khu vực cù lao Long Khánh và Long Thuận có diện tích lớn, mật độ dân cư đông nhưng điều kiện về hạ tầng (đường giao thông liên ấp, hệ thống cấp nước…) còn nhiều khó khăn. Cù lao Long Thuận là vùng đất có nguy cơ sạt lở cao, khả năng chống chịu về biến đổi khí hậu kém, sản xuất manh mún. Còn cù lao Long Khánh tuy ở giữa sông Tiền nhưng vào mùa khô do điều kiện cấp và trữ nước kém nên thường xuyên xảy ra thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong khi đó, vào mùa lũ, mực nước sông dâng lên nhanh nên nguy cơ ngập lụt cao.

Tình hình sản xuất cây ăn trái và hoa kiểng ở các huyện thị phía Nam sông Tiền của Đồng Tháp ngày càng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu và nguồn nước. Thiếu nước vào mùa khô, kênh rạch bồi lắng, làm cản trở tưới tiêu, giao thông trong nội vùng. Lũ kết hợp triều cường đã gây ngập rất nhiều nơi, ảnh hưởng đời sống người dân và diện tích trồng cây ăn trái, hoa kiểng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục