Đồng USD yếu có thể có lợi cho nền kinh tế Mỹ

Chuyên gia cho rằng đồng USD mạnh cũng có thể có những mặt trái, đó là nhu cầu về hàng hóa Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ giảm nếu người tiêu dùng không đủ khả năng mua những hàng hóa đó.

Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 trong phiên 21/8, khi các nhà đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị kinh tế Jackson Hole ở Wyoming trong tuần này.

"Đồng bạc xanh" liên tục có xu hướng giảm trong tháng 8. Năm 2022, đồng tiền này đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000, sau khi trải qua một thập kỷ tăng ổn định.

Ông Matthew C. Klein, đồng tác giả cuốn “Chiến tranh thương mại hay mâu thuẫn giai cấp” và là người sáng lập The Overshoot, một dịch vụ nghiên cứu về nền kinh tế toàn cầu, cho rằng đồng USD "đắt" hơn so với trước đây, nhờ đó hàng hóa nhập khẩu của Mỹ sẽ rẻ hơn và điều này là tốt cho người tiêu dùng. Giá trị của đồng USD phụ thuộc vào điều kiện kinh tế ở Mỹ và trên thế giới nên rất khó để đánh giá một đồng USD mạnh chỉ đơn giản là tốt hay xấu về tổng thể.

Ông Harold James, Giáo sư lịch sử và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, cho rằng đồng USD mạnh cũng có thể có những mặt trái. Đó là nhu cầu về hàng hóa Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ giảm nếu người tiêu dùng không đủ khả năng mua những hàng hóa đó và người lao động Mỹ khi đó có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Điều này khiến các nhà lãnh đạo Mỹ không phải luôn muốn đồng USD mạnh. Ví dụ, cựu Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại về tác động của việc đồng tiền mạnh đối với hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Ông cho rằng sự tăng giá của đồng USD là do cách tiếp cận chính sách tiền tệ của Fed.

Giám đốc điều hành ngân hàng Bank of America, Brian Moynihan, trước đó cho biết, nếu Fed không bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm, người tiêu dùng Mỹ có thể trở nên chán nản.

Tại cuộc họp chính sách cuối tháng Bảy vừa qua, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50%, vốn đã được duy trì trong hơn một năm, nhưng báo hiệu khả năng ngân hàng này có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2024, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.

Ông Moynihan nói: "Nếu họ (Fed) không bắt đầu giảm lãi suất sớm, họ có thể làm người tiêu dùng Mỹ mất tinh thần. Một khi người tiêu dùng Mỹ thực sự bắt đầu có thái độ tiêu cực thì rất khó để kéo họ quay trở lại."

Khi được hỏi về các quyết sách của Fed, ông Moynihan cho biết mọi người có thể đưa ra lời khuyên cho Fed và sau đó nhiệm vụ của cơ quan này quyết định phải làm gì.

Ông nói: "Nếu bạn nhìn vào các nền kinh tế trên thế giới và thấy nơi nào các ngân hàng trung ương độc lập và hoạt động tự do, họ có xu hướng hoạt động tốt hơn những ngân hàng không làm như vậy."

Theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 7/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng do số lượng đơn đặt hàng mới giảm, cho thấy ngành sản xuất đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi phục hồi mạnh mẽ trong quý 2.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 46,8 trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023, từ mức 48,5 của tháng 6. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số PMI sản xuất sẽ tăng lên mức 48,8.

Chỉ số đơn đặt hàng mới trong tương lai cũng giảm xuống mức 47,4 trong tháng 7, từ mức 49,3 của tháng 6, trong khi sản lượng tiếp tục giảm xuống mức 45,9, từ mức 48,5 của tháng 6.

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng giảm, song các nhà sản xuất vẫn phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn, nhiều khả năng do giá cước vận tải tăng cao. Thước đo giá mà nhà sản xuất phải trả đã tăng lên mức 52,9 trong tháng 7, từ mức 52,1 của tháng trước đó. Trong khi đó, chỉ số tốc độ giao hàng của nhà cung cấp đã tăng lên mức 52,6, từ mức 49,8 của tháng 6. Chỉ số trên 50 cho thấy tốc độ giao hàng chậm hơn.

ttxvn-kinh te my.jpg
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở Foster City, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, lĩnh dịch vụ của Mỹ đã phục hồi trong tháng 7/2024 nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới phục hồi và mức tăng việc làm đầu tiên trong sáu tháng, giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng trước.

Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên mức 51,4 trong tháng 7/2024, từ mức 48,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ, vốn chiếm hơn 66% nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số đơn đặt hàng mới phục hồi lên mức 52,4, từ mức 47,3 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ của ISM cũng tăng lên mức 51,1, mức tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2024, từ mức 46,1 của tháng 6.

Lạm phát dịch vụ đã tăng nhẹ nhưng nhiều khả năng không đủ để thay đổi bức tranh về áp lực giá đang giảm dần. Chỉ số giá đầu vào lĩnh vực dịch vụ tăng từ mức 56,3 của tháng 6 lên mức 57,0 trong tháng 7.

Báo cáo của ISM giúp củng cố quan điểm cho rằng sự chậm lại của thị trường việc làm gần đây không báo hiệu sự khởi đầu của suy thoái kinh tế. Báo cáo việc làm tháng 7 của Chính phủ Mỹ cho thấy lĩnh vực phi nông nghiệp chỉ tăng 114.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm là 4,3%, khiến gia tăng lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái./.

Đồng USD đã giảm xuống dưới mốc 145 yen đổi 1 USD và quanh quẩn gần mức thấp hơn một năm so với đồng bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng USD chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm

Trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho số liệu việc làm được điều chỉnh của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 21/8, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay so với đồng euro.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....