Dòng vốn ngoại quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn

.Sau sóng gió hậu bầu cử của Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam dần ổn định trở lại. Làn sóng rút vốn tại các quỹ ETF không còn gấp gáp như các tháng 11 và 12/2016.
Dòng vốn ngoại quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Sau sóng gió hậu bầu cử của Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam dần ổn định trở lại. Làn sóng rút vốn tại các quỹ ETF không còn gấp gáp như các tháng 11 và 12/2016,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán – SSI cho biết.

Theo thống kê từ SSI, từ đầu năm đến ngày 3/2, Quỹ VNM ETF đã tăng được 550.000 chứng chỉ quỹ, tương đương giá trị 7,3 triệu USD đồng thời chưa có phiên nào bị rút chứng chỉ.

Tuy nhiên, Quỹ DB ETF ở trạng thái ngược lại, chứng chỉ quỹ liên tục bị rút ra song tốc độ có phần chậm lại. Như vậy, quỹ này chỉ bị rút 197.000 chứng chỉ quỹ kể từ đầu năm, tương đương 4,2 triệu Euro (trong khi các tháng 11 và 12/2016 quỹ này đã bị rút 53,5 triệu Euro).

Theo ông Linh, những tín hiệu trên cho thấy dòng vốn quốc tế đang có xu hướng quay trở lại các thị mới nổi nhằm tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn, nhờ đó thị trường Việt nam sẽ giảm được áp lực rút vốn từ các quỹ ETF.

Lượng OMO cho vay cao nhất trong vòng 5 năm

Tuần đầu tiên của năm Đinh Dậu, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ trong ngay hai phiên đầu năm, cụ thể lãi suất tại tất cả các kỳ hạn đã giảm về dưới 5%/năm.

Báo cáo từ SSI, tính đến hết ngày 3/2, lãi suất cho vay qua đêm và một tuần giảm còn 4,45% và 4,67% (so với ngày ngày 20/1 là 5% và 5,18%). Theo đó, các khoản vay một tháng và ba tháng, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng xuống mức 4,73% và 4,8%.

“Căng thẳng về thanh khoản dịp trước Tết đã dịu xuống và giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, dần trở về trạng thái cân bằng,” ông Linh nói.

Nghiệp vụ thị trường mở (OMO - Open Market Operations) trong 3 ngày trước tết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho vay mạnh mẽ ở các kỳ hạn 14 và 28 ngày, đạt trên 103.260 tỷ đồng (60.520 tỷ  đồng kỳ hạn 14 ngày và 42.7500 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày), trong khi khối lượng đáo hạn khoảng 15.400 tỷ đồng, điều này khiến tổng khối lượng lưu hành trên thị trường tăng mạnh, đạt 254.000 tỷ đồng.

Quan sát lại những diễn biến vào thời điểm này của những năm trước, Ngân hàng Nhà nước cũng thường cho vay lượng lớn trên thị trường mở nhằm hỗ trợ về thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau dịp cuối năm. Tuy nhiên các nhu cầu này thường chỉ mang tính ngắn hạn, bởi lượng OMO này sẽ đáo hạn dần và thanh khoản của hệ thống vẫn được đảm bảo.

Song ông Linh cũng đưa ra một số lưu ý, khối lượng cho vay trên thị trường mở trong dịp Tết năm nay đang được ghi nhận ở  mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (cao hơn mức 243.000 tỷ của thời điểm trước tết Bính Thân).

“So với năm trước, lượng OMO lưu hành sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn bởi kỳ hạn phát hành năm nay là ngắn hơn (14 và 28 ngày). Tính hết ngày 3/2, tổng khối lượng OMO lưu hành giảm về còn 238.000 tỷ đồng, tương đương giảm 16.100 tỷ đồng so với trước Tết,” ông Linh chỉ ra.

Trái phiếu “hưởng lợi”

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB - MBS, hai tuần từ (15/1-1/2), tổng giá trị trúng thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành tiếp tục tăng tăng mạnh và đạt 7.280 tỷ đồng (cao gần gấp 3 lần so với hai tuần trước đó), chiếm 67% tổng giá trị gọi thầu.

Trong đó tập trung chủ yếu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm (34%), tiếp đến là kỳ hạn 5 năm (27%), trong khi các kỳ hạn như 10 năm và 20 năm chiếm tỷ trọng thấp nhất (lần lượt là 17,8% và 21%).

Lợi suất trái phiếu tại kỳ hạn 5 năm vẫn giữ nguyên 5.25%/năm, song lợi suất kỳ hạn 7 năm tăng đã nhẹ từ 5,3% lên 5,55% và  tăng từ 7,25%/năm lên 7,69%/năm tại kỳ hạn 15 năm.

Tuy nhiên trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch đã sụt giảm mạnh, tổng giá trị đạt 24.923 tỷ đồng (giảm hơn 28% so với hai tuần trước đó), giao dịch trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng 91%, đạt 22.544 tỷ đồng còn lại là trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 2,378 tỷ đồng.

“Đường lợi tức trái phiếu có xu hướng dốc hơn so với trong hai tuần trước do nhu cầu trái phiếu vẫn tiếp tục tăng mạnh,” Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Kinh tế của MBS cho biết.

Tỷ giá giảm mạnh

Trên thị trường, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 22.164 đồng (từ 15/1-1/2). Tỷ giá tại giao dịch các ngân hàng thương mại giảm mạnh về mức 22.535 đồng (giảm 195 đồng so với hai tuần đầu tháng Một).

Theo ông Tuấn, tỷ giá giảm mạnh tại các ngân hàng thương mại là do USD vẫn chịu nhiều áp lực từ những kỳ vọng của giới tài chính đối với những chính sách của tân Tổng thống Donald Trump. Trên thị trường quốc tế, chỉ số ICE Dollar sau khi chạm mốc kỷ lục là 103 điểm (mức cao nhất trong 15 năm qua) đã điều chỉnh xuống mức 101.09 điểm.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, với việc Ngân hàng Nhà nước duy trì thực thi các chính sách ổn định tỷ giá để đảm bảo thanh khoản hệ thống, trong ngắn hạn VND sẽ không bị mất giá quá nhiều so với USD. Hiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ dư địa ổn định tỷ giá đồng thời những chính sách của ông Donald Trump cũng cần có sự trải nghiệm rõ ràng và thuyết phục hơn theo thời gian.

Trên thực tế, cán cân thương mại của Việt Nam chính thức chuyển từ trạng thái thâm hụt (năm 2015) sang trạng thái thặng dư 2,6 tỷ USD (năm 2016). Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ước tính đạt 15,8 tỷ USD ( tăng 9% so với năm 2015), là mức cao nhất từ trước đến nay.

“Về tổng thể, Việt Nam vẫn đạt thặng dư cán cân thanh toán nên cung cầu ngoại tể hiện tại không thể thiếu hụt. Chúng tôi đánh giá VND mất giá chủ yếu do các yếu tố ngắn hạn là kỳ vọng tăng của USD,” ông Tuấn dự báo.

Dòng tiền tăng mạnh

Trên thị trường quốc tế trong hai tuần qua, sự kiện mang lại nhiều dấu ấn nhất là lễ nhậm chức Donald Trump cùng hàng loạt các sắc lệnh mới được thông qua.

“Nhiều người vốn còn nghi ngờ hoặc hy vọng vào những điều ôngTrump nói sẽ khác so với hành động, thì nay họ đã thật sự phải thất vọng. Với các doanh nghiệp Mỹ, đây chắc chắn là tin vui bởi Trump là tổng thống có chính sách thân thiện với doanh nghiệp nội địa. Thái độ kiên quyết thực thi các cam kết tranh cử của ôngTrump đã vạch rõ một lộ trình mới cho kinh tế Mỹ,” ông Linh nhấn mạnh.

Chỉ số S&P500 tiếp tục tăng 1.1% (kể từ ngày 20/1) sau một thời gian đi ngang chờ đợi. Theo ghi nhận từ EPFR Global, giới đầu tư đã nhanh chóng rót 7,8 tỷ USD vào các quỹ đầu tư cổ phiếu vào tuần cuối tháng Một.

Bên cạnh đó, dòng tiền tiếp tục chảy vào các quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ đạt 17,2 tỷ USD, nhờ đó lợi tức trái phiếu Mỹ đã giảm nhẹ. Kể từ 20/1, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 1,85 điểm cơ bản.

“Như vậy là giới đầu tư đã rót vốn trở lại trái phiếu Mỹ nhiều hơn giá trị họ rút ra trong những tuần cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2016,” ông Linh nói.

Theo ông Linh, nguyên nhân khiến trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn đến từ phiên họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), với quyết định giữ nguyên lãi suất và rất ít thông tin cho thấy FED đang chuẩn bị cho lần nâng lãi suất tiếp theo. Tỷ lệ dự báo FED nâng lãi suất ít thay đổi và cùng với những “phức tạp” trong chính sách tài khóa mới khiến giới đầu tư lại đánh cược vào khả năng cơ quan này sẽ chưa vội vàng nâng lãi suất.

Cùng đánh cược vào xu hướng lãi suất, giới đầu tư cũng rót vốn trở lại các quỹ đầu tư cổ phiếu của các thị trường mới nổi (EM) và đặc biệt là các quỹ đầu tư trái phiếu dưới chuẩn. Thống kê từ EPFR Global, trong tuần cuối tháng Một, các quỹ đầu tư cổ phiếu EM đã đổ ra 1,4 tỷ USD, mức cao nhất 16 tuần qua và các quỹ đầu tư trái phiếu dưới chuẩn là 2,15 tỷ USD, cao nhất trong vòng 7 tuần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục