Kết quả của hai nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature (Tự nhiên) của Anh cho thấy nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt không đơn giản như từng được biết.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã phát hiện rằng bệnh tâm thần phân liệt phần lớn là do một loạt hiện tượng đột biến gen hiếm thấy chứ không chỉ là một vài khiếm khuyết gen rất dễ nhận biết.
Thu thập dữ liệu khảo sát trên tổng số gần 7.000 người ở Bulgaria và Thụy Điển, nhóm chuyên gia tiến hành phân tích và nhận thấy những gen gây ra tâm thần phân liệt hoạt động theo nhóm và phá vỡ các protein riêng biệt.
Những gen này có xu hướng nằm trong hệ thống gen chi phối những tín hiệu giữa não và các tế bào, hoặc quyết định khả năng học tập và trí nhớ.
Nhà khoa học Shaun Purcell thuộc Học viện Broad ở bang Massachusetts (Mỹ), cho biết nhiều gen có nguy cơ gây ra tâm thần phần liệt vì vậy hai bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể không có cùng một nhận dạng đối với các gen nguy cơ đó.
Trong hai công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh chuỗi gen của 2.500 bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Thụy Điển với số lượng tương tự những người khỏe mạnh nhằm tìm ra vị trí và hình thức đột biến gen.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn so sánh chuỗi gen của hơn 600 bệnh nhân và cha mẹ của họ. Cả hai nghiên cứu đều cung cấp thêm bằng chứng rằng các rối loạn phát sinh từ sự ảnh hưởng của nhiều gen kết hợp - được gọi là "đa gen" (polygenicity), ngoài ra những biến đổi di truyền có xu hướng tập trung tại một vài hệ thống gen liên quan đến chức năng.
Tâm thần phân liệt là bệnh kinh niên với những triệu chứng không ổn định, đặc trưng bởi những rối loạn trầm trọng của hành vi và tư duy, chẳng hạn như ảo giác, hoang tưởng, suy diễn, sống khép kín...
Theo thống kê, trên thế giới, cứ 100 người thì có một người mắc tâm thần phân liệt. Chỉ tính riêng tại Mỹ, có tới 2,4 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này./.