ĐSQ Việt Nam tăng cường hợp tác với Đại học FHNW ở Thụy Sĩ

Ban lãnh đạo FHNW bày tỏ mong muốn phối hợp cùng với Đại sứ quán tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ trong năm 2021.
Đại sứ Lê Linh Lan. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 8/3, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cùng Tham tán thương mại Nguyễn Đức Thương đã thăm làm việc với Ban Lãnh đạo Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW) để bàn thảo việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu nghiên cứu, đào tạo về kinh doanh, quảng bá môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021 khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (10/1971-10/2021).

Tại buổi làm việc, Giáo sư Tiến sỹ Crispino Bergamaschi, Chủ tịch Đại học  FHNW đã chia sẻ cảm tình tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam của ông cùng Ủy viên Hội đồng Liên Bang, Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin vào tháng 7/2010. Ông dự kiến sẽ cùng gia đình quay trở lại thăm Việt Nam và dành nhiều thời gian hơn để khám phá Việt Nam vào tháng 1/2022.

Ông cũng nhắc lại ấn tượng tích cực được cùng toàn thể Ban giám hiệu và lãnh đạo của thành phố cùng doanh nghiệp địa phương được tiếp đón Đoàn đại biểu cấp cao do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến trụ sở chính của Trường vào tháng 7/2019.

Chủ tịch Đại học FHNW Crispino Bergamaschi, Giáo sư-Tiến sỹ Charlotte Hofstter, Trưởng Khoa Đào tạo Trường Kinh doanh, Giáo sư-Tiến sỹ Patrick Renz, Thành viên Ban giám đốc Trường Kinh doanh và Tiến sỹ Teresa L. Freiburghaus, Giám đốc Dự án ASEAN của Đại học FHNW, đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Đại sứ và các cán bộ ĐSQ, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Đại học FHNW với Đại sứ quán.

Ban lãnh đạo FHNW bày tỏ mong muốn phối hợp cùng với Đại sứ quán tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ trong năm 2021.

[Thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ]

Trước mắt, hai bên dự kiến sẽ phối hợp tổ chức một số hoạt động hợp tác nghiên cứu, xúc tiến quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, giới thiệu ẩm thực, văn hóa Việt Nam cho các doanh nghiệp và sinh viên chuyên ngành kinh doanh.

Đại sứ Lê Linh Lan chia sẻ về việc Việt Nam thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh tế đạt mức 2,91%.  Về mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ trong nửa thế kỷ qua, Đại sứ tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác giữa hai nước đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đều mong muốn thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do ( FTA)  giữa Việt Nam với khối EFTA sau 9 năm đàm phán.

Việc ký kết FTA trong năm 2021 là năm hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao sẽ là sự kiện rất có ý nghĩa, đồng thời là cú hích, tạo động lực mới  thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Đại sứ cũng tin tưởng rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ có tính bổ sung cho nhau, và Việt Nam có thể tranh thủ nhiều thế mạnh của Thụy Sĩ, một trong những nước đứng đầu thế giới trong về năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo.

Kết thúc buổi làm việc, Đại sứ Lê Linh Lan đã trả lời phỏng vấn Chương trình Khám phá ASEAN về những lĩnh vực đầu tư tiềm năng ở Việt Nam đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Thụy Sĩ và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Do các thành viên Chương trình khám phá ASEAN đã không thực hiện được chương trình thăm Việt Nam trong năm 2020 và cả năm 2021 do dịch bệnh COVID-19, Đại sứ quán hoan nghênh đề xuất của Chương trình được đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ để được gặp gỡ, tìm hiểu về đất nước, văn hóa, ẩm thực, cơ hội kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới sau khi chính phủ Liên bang nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội.

Đại học FHNW là một trong 5 trường đại học công lập lớn nhất Thụy Sĩ và nằm trong số 500 đại học lớn nhất châu Âu. FHNW có mạng lưới các dự án đào tạo, nghiên cứu với 400 đối tác trên thế giới.

Với Việt Nam, FHNW hiện đang có 3 chương trình hợp tác quan trọng với Việt Nam như Chương trình MBA-MCI (từ năm 2009) với Đại học Công nghệ thuộc Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình thi Thách thức Đổi mới Sáng tạo Thụy Sĩ-Việt Nam (Swiss Innovation Challenge Vietnam từ năm 2017), dự án hợp tác nghiên cứu 3 bên với Đại học Ngoại thương Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ Bandung Indonesia với chủ đề “Truyền thông và Ứng phó với COVID-19”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục