Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa dịp cuối năm, nhiều cảng biển tiếp tục đầu tư hạ tầng để gia tăng tuyến dịch vụ cũng như tăng sản lượng hàng hoá bốc dỡ.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, sản lượng hàng qua cảng biển cả nước về cuối năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng 7 - 9% so với 2023 trong năm nay.
Dự báo trên cơ sở triển vọng xuất nhập khẩu tiếp tục khả quan về cuối năm, vốn FDI đang duy trì ở mức cao, đặc biệt là các dự án nâng cấp cảng và cơ sở hạ tầng liên quan đang lần lượt được hoàn thiện.
Tại khu vực cảng biển ở Hải Phòng, các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư hạ tầng để đón tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế ra vào cảng.
Hiện bến cảng container quốc tế Tân Cảng-Hải Phòng (TC-HICT) tại khu bến cảng Lạch Huyện đã được chấp thuận chủ trương cho đón tàu có trọng tải tới 145.000 DWT giảm tải, từ đó tăng sản lượng tàu ra vào cảng.
Cùng tại khu bến cảng Lạch Huyện, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cũng đang nỗ lực hoàn thành dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 3,4.
Hiện doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng cầu cảng và đang triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, phấn đấu đưa các bến cảng này vào khai thác trong quý đầu năm 2025.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản chấp thuận chủ trương nâng cấp luồng Hải Phòng, đoạn từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến khu vực cảng Nam Hải Đình Vũ theo đề nghị của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship).
Theo Viconship, việc nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến khu vực các cảng Đình Vũ là rất cần thiết, phù hợp và khả thi. Từ đó các cảng trong khu vực nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với chủ trương về việc xã hội hóa hạ tầng giao thông.
Đối với khu cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng tàu trọng tải lớn hơn công bố chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số tàu ra vào khu vực. Kết quả này nhờ các doanh nghiệp cảng biển đã áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào hoạt động khai thác.
Tại bến cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT), các doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm điều hành, khai thác cảng biển như TopX, Catos, Vtos, Navis, Ptos…, phần mềm cảng thông minh, nền tảng cảng biển số Smarthub và nhiều phần mềm quản lý hoạt động của xe container, xà lan ra vào cảng.
Bến cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép đã ứng dụng hệ thống tự động hóa cho xe giao nhận tại cảng Auto-gate; bổ sung thêm các dịch vụ đăng ký kiểm hóa, thay đổi cảng chuyển tải,thay đổi tàu xuất, vào sổ tàu online… trên dịch vụ cảng điện tử e-Port. Qua đó tiết kiệm thời gian làm thủ tục giao nhận tại cảng, gia tăng tiện tích và tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vu.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng năm 2024, tổng khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt hơn 640 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ; hàng nhập khẩu ước đạt gần 200 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ; hàng nội địa ước đạt gần 290 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Đối với hàng container, tổng khối lượng hàng hoá tính theo Teu ước đạt hơn 22 triệu Teu, tăng 19% so với cùng kỳ.
Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước đều ở các cảng biển lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh. Một số khu vực khác cũng có sản lượng cao như Huế, Quy Nhơn, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng.../.
Tàu nước ngoài vượt tàu nội thông qua các cảng biển ở Việt Nam
Trong 50.553 lượt tàu biển thông qua các cảng biển Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, số tàu ngoại đạt 24.017 lượt, tăng 9% trong khi số lượt tàu nội giảm 1% so cùng kỳ năm trước.