Cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Séc vào tháng 10/2021 nhiều khả năng sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh truyền thống tả-hữu được thay thế bằng cuộc đối đầu quyết liệt giữa đảng dân túy với các đảng truyền thống. Đây là nhận định của bài viết mới đây trên trang tin balkaninsight.com với tiêu đề “Sức khỏe, thịnh vượng và yếu tố cốt lõi chi phối cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Séc năm 2021." Nội dung cụ thể như sau:
Cạnh tranh giữa đảng dân túy và các đảng truyền thống
Thủ tướng Andrej Babis, lãnh đạo phong trào ANO theo chủ nghĩa dân túy tại Cộng hòa Séc đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Âu được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Thủ tướng Babis hy vọng hành động của ông sẽ giúp khích lệ người dân Cộng hòa Séc hưởng ứng chương trình tiêm vắcxin của chính phủ trong bối cảnh các cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có khoảng 40% người được hỏi cho biết sẽ tham gia tiêm chủng.
Một động lực quan trọng khác là Chính phủ liên minh của Babis muốn thông qua việc triển khai thành công chính sách tiêm vắcxin ngừa COVID-19, lấy lại niềm tin của cử tri sau những yếu kém trong công tác phòng chống đại dịch, từ đó giúp ông tái cử nhiệm kỳ 2. Những hạn chế của chính phủ của ông trong ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến ANO mất đi tỷ lệ ủng hộ vượt trội so với các đảng phái khác.
Hiện tại, các đảng đối lập đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Séc năm 2021. Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy cuộc bầu cử này có thể sẽ là cuộc chạy đua sát sao giữa đảng dân túy và các đảng truyền thống, thay vì cuộc canh tranh truyền thống giữa phe cánh tả và phe cánh hữu.
[Séc: Phong trào ANO chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương]
Phong trào ANO theo chủ nghĩa dân túy của Thủ tướng Babis đã chứng tỏ hiệu quả khi chiếm được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri của hai đối tác liên minh cánh tả của ANO gồm đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) và đảng Cộng sản Séc-Morava (KSCM). Tuy nhiên, điều này cũng khiến hai đảng nhỏ hơn trong liên minh này phải đối mặt với thách thức không đạt được 5% cử tri ủng hộ, tỷ lệ cần thiết để có ghế tại Hạ viện.
Trong khi đó, 3 đảng truyền thống gồm đảng Dân chủ Công dân (ODS), Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (KDU-CSL) và đảng TOP-09 đã thành lập liên minh bảo thủ với tên gọi SPOLU. Một liên minh khác cũng được hình thành là liên minh trung hữu giữa đảng Pirates và Liên minh các thị trường và cá nhân độc lập (STAN). Theo thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai liên minh này thấp hơn một chút so với mức 25% của phong trào ANO, báo hiệu một cuộc đua tranh quyết liệt khi cuộc bầu cử chính thức bắt đầu.
Quân át chủ bài
Lịch sử chính trị Cộng hòa Séc cho thấy nỗ lực hợp tác giữa các đảng chính trị không phải lúc nào cũng thành công. Theo Giáo sư Lubomir Kopecek, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại học Masaryk (Cộng hòa Séc), cả hai liên minh trên đều có cơ hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Séc năm 2021, nhưng cũng có thể dễ dàng bị thất bại do mâu thuẫn nội bộ.
Đây cũng là mong muốn của Babis, bởi điều này sẽ gia tăng cơ hội chiến thắng cho Phong trào ANO của ông. Nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, ANO có thể tìm cách lôi kéo một đối tác thuộc một trong hai liên minh trên để thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, vị thế của Babis hiện nay rất yếu và việc lựa chọn đối tác liên minh của ANO có thể rất mong manh.
Đây là kịch bản mà đương kim Tổng thống Milos Zeman trông đợi vì ông muốn tiếp tục gia tăng quyền lực vượt lên trên giới hạn theo quy định của hiến pháp để chi phối ảnh hưởng trên chính trường Cộng hòa Séc. Người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Séc có ảnh hưởng đáng kể đối với chính phủ thiểu số của Thủ tướng Babis mà ông bổ nhiệm năm 2017 thông qua việc sử dụng quyền lực của mình để đảm bảo sự tồn tại của chính phủ. Hiện Tổng thống Zeman muốn tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình và đã ấn định thời gian tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện một cách sớm nhất có thể trong hai ngày 8-9/10/2021.
Ngày càng có nhiều đồn đoán cho rằng ông Zeman muốn ANO ở vị thế yếu và chính trường phân mảnh để ông thành lập chính phủ lâm thời với thành phần nội các đa số là các đồng minh thân cận của ông như đã thực hiện vào năm 2013.
Theo phó giáo sư Sean Hanley, chuyên gia nghiên cứu về chính trị khu vực Trung và Đông Âu thuộc Đại học London có trụ sở tại Cộng hòa Séc, khó có khả năng Tổng thống Zeman bổ nhiệm một ai khác ngoài ông Babis hoặc một nhà kỹ trị nếu ANO thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện này. Trong khi đó, có nhiều tin đồn trong chính giới Cộng hòa Séc rằng Thủ tướng Babis và Tổng thống Zeman đã thảo luận về khả năng thành lập chính phủ lâm thời do ông Babis đứng đầu.
Cơ hội để Tổng thống Zeman duy trì quyền lực sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự thể hiện của Thủ tướng Babis trước cuộc bầu cử, nhất là việc thúc đẩy tiến trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vì vấn đề này liên quan tới phục hồi nền kinh tế.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Dominik Presl thuộc Hiệp hội các vấn đề quốc tế (AMO), năm 2020 đã bộc lộ năng lực hạn chế của chính phủ Cộng hòa Séc trong ứng phó với vấn đề thông tin sai lệch liên quan tới dịch COVID-19. Nếu không thông tin nhanh chóng và hiệu quả về vấn đề này, một bộ phận lớn người dân có thể sẽ từ chối tiêm vắcxin. Điều này sẽ làm chậm tiến trình thoát khỏi khủng hoảng.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích kinh tế Alessandro Cugnasca cho rằng nền kinh tế Cộng hòa Séc có thể tăng trưởng 4% trong năm 2021, song cảnh báo đây là sự phục hồi mang tính cơ học sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp phong tỏa trong năm 2020. Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách xã hội khó có thể được nới lỏng trước nửa cuối năm 2021. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doang nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ, phải đối mặt với tình trạng khó khăn và tình trạng mất công ăn việc làm tràn lan kéo dài nhiều tháng trời.
Phép thử địa chính trị
Việc Tổng thống Zeman nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đối với chính phủ sẽ khiến chính sách đối ngoại của Cộng hòa Séc trở nên không rõ ràng trong thời gian dài.
Cộng hòa Séc sẽ tiếp tục thúc đẩy định hướng chính sách đối ngoại ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo chuyên gia Danielle Piatkiewicz thuộc Tổ chức nghiên cứu chính sách châu Âu (Europeum), điều này phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền mới Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden với quan điểm thúc đẩy giải quyết các vấn đề toàn cầu như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran và vấn phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Zeman sẽ không tranh luận công khai về chính sách đối ngoại, nhưng cùng với các đảng chính trị và các nhóm doanh nghiệp có quan hệ thân thiết, ông có thể tìm cách chi phối ảnh hưởng đối với các vấn đề cụ thể theo đường lối riêng của mình.
Vấn đề ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Zeman hiện nay là việc đấu thầu xây dựng mở rộng nhà máy điện hạt nhân Dukovany và đây được coi là phép thử địa chính trị quan trọng nhất của Cộng hòa Séc trong vòng 30 năm qua. Ông Zeman đang ủng hộ Nga hoặc Trung Quốc tham gia dự án này.
Trong khi đó, một số thành viên chính phủ, các đảng đối lập và các cơ quan an ninh nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Babis không để hai nước trên tham gia đấu thầu vì lý do an ninh quốc gia. Điều này khiến ông Babis đứng trước tình thế khó khăn. Có ý kiến cho rằng Thủ tướng Babis muốn trì hoãn việc trao hợp đồng trúng thầu dự án này cho các bên trúng thầu cho tới khi Tổng thống Zeman kết thúc nhiệm kỳ 2 vào đầu năm 2023.
Điều quan ngại hiện nay là chính phủ lâm thời do Tổng thống Zeman chỉ định có thể sẽ làm thay đổi định hướng chính sách đối ngoại của Cộng hòa Séc, nhiều khả năng đẩy cả hệ thống kinh tế và chính trị của nước này vào tầm ảnh hưởng của Nga hoặc Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới./.