Dự báo thế giới 2022: Cách giúp quan hệ Mỹ-Trung sang trang mới

Những nỗ lực hợp lý, mang tính xây dựng của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước trong năm 2022 sẽ giúp Trung Quốc và Mỹ tìm ra những cách thức mới...
Dự báo thế giới 2022: Cách giúp quan hệ Mỹ-Trung sang trang mới ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải, trên màn hình) tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, ở Washington, DC, Mỹ, ngày 15/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong năm 2022, mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung sẽ tiến triển tốt hơn hay xấu đi. Trang mạng chinausfocus.com đã có bài phân tích về những rào cản trong mối quan hệ này và chỉ ra các cách thức để vượt qua rào cản, tiến lên phía trước, giải quyết triệt để sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác.

Theo chinausfocus.com, tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhằm đặt ra khuôn khổ và quy tắc cho mối quan hệ song phương.

Ngoài ra, các cuộc đối thoại mang tính xây dựng ở cấp bộ trưởng cũng diễn ra trong năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế, các hành động của Mỹ dường như không có sự thay đổi nên những căng thẳng hiện tại dường như không được giảm bớt.

Chính sách ngăn chặn của ông Biden

Chính quyền Tổng thống  Biden vẫn giữ mức thuế cao đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD, bất chấp yêu cầu của Trung Quốc và người dân Mỹ về việc loại bỏ mức thuế này. Các biện pháp trừng phạt đơn phương và hạn chế trong ngành công nghệ cao cũng được tăng cường trong nửa cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng rất khéo léo tập hợp các đồng minh của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính quyền của ông Biden đã khởi động hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ và thành lập liên minh an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và Hội đồng công nghệ và thương mại (TTC) với Liên minh châu Âu (EU).

Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) hồi cuối tháng 6/2021 đã công bố sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" nhằm chống lại sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ diễn ra sau đó đã khởi động TTC để sắp xếp các chuỗi cung ứng chip bán dẫn và các công nghệ hàng đầu với các quốc gia “cùng chia sẻ giá trị” nhằm “ngăn chặn Trung Quốc.”

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có chuyến công du các quốc gia Đông Nam Á để tìm kiếm một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm làm suy yếu Trung Quốc.

Thương mại ngày càng bị tác động bởi các động cơ chính trị và ý thức hệ. Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu từ Tân Cương (Trung Quốc) với lý do Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức.

[Kỳ vọng gì từ quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc trong tương lai?]

Tất cả những diễn biến đó chỉ làm quan hệ song phương Trung Quốc-Mỹ thêm xấu đi, trong đó bao gồm cả thương mại. Chúng thể hiện 2 đặc điểm khác biệt trong chính sách thương mại của Chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc, bắt đầu với định hướng giá trị. Toàn bộ chính sách thương mại được định hướng bởi các giá trị cốt lõi của Mỹ về “dân chủ” và “nhân quyền.”

Họ thấy rằng Trung Quốc có những giá trị cốt lõi hoàn toàn khác biệt và xác định Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cần phải được giải quyết.

Đặc điểm thứ hai là định hướng bá quyền của Mỹ. Họ không thể chấp nhận một nền kinh tế của Trung Quốc phát triển theo sát Mỹ (GDP của Trung Quốc năm 2021 sẽ bằng khoảng 75% của Mỹ, mức gần nhất sau hơn một thế kỷ).

Và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đang thách thức sự thống trị của Mỹ. Các quan điểm chống Trung Quốc đã trở nên đúng đắn về mặt chính trị trong hệ sinh thái chính trị trong nước của Mỹ.

Các chính sách không hiệu quả

Tuy nhiên, các chính sách chống Trung Quốc đã không kiểm soát được thương mại song phương mà ngược lại, quan hệ thương mại hai bên đang bùng nổ.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều trong 11 tháng đầu năm cao hơn 30,2% so với một năm trước và cao hơn 7,7% so với cả năm 2018, mức kỷ lục trước đó, trước khi chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Kim ngạch thương mại của cả năm 2021 có thể đạt 750 tỷ USD so với 633,5 tỷ USD của năm 2018. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng hơn 90 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 25 tỷ USD.

Các hạn chế nghiêm ngặt đối với thương mại công nghệ cao (cụ thể là chip bán dẫn) cũng không tạo ra sự khác biệt nào. Trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng chip nội địa của Trung Quốc đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu chip tăng 34% và nhập khẩu tăng 23,4%. Thị phần toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh chóng.

Sự kết hợp của Mỹ và các đồng minh trong việc kiềm chế Trung Quốc đã có những kết quả mờ nhạt. Trong 3 quý đầu năm nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt 630,54 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại Mỹ-ASEAN chỉ đạt 278,81 tỷ USD.

Trong 3 năm qua, kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN tăng 45,3%, trong khi kim ngạch thương mại Mỹ-ASEAN tăng 34,1%. Thương mại Trung Quốc-ASEAN gấp 2,26 lần thương mại Mỹ-ASEAN trong 3 quý đầu năm nay, so với 2,15 lần ba năm trước.

Bên cạnh đó, thương mại Trung Quốc-EU tăng 33,8% trong khi thương mại Mỹ-EU chỉ tăng nhẹ 8,2%. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực ngày 1/1/2022, chiếm 30% thương mại thế giới và bao gồm Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - nhưng không bao gồm Mỹ. Như vậy, chính sách ngăn chặn của Washington là không hiệu quả. Tại sao lại như vậy?

Sai lầm đầu tiên của Mỹ là nước này có mục tiêu chiến lược sai lầm. Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị về địa chính trị, kinh tế và quân sự của nước này.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là mối đe dọa như vậy. Trật tự thế giới dựa trên chủ nghĩa đa phương với cốt lõi là Liên hợp quốc và hiến chương của Liên hợp quốc, chứ không phải dựa trên sự thống trị của một quốc gia.

Dự báo thế giới 2022: Cách giúp quan hệ Mỹ-Trung sang trang mới ảnh 2Ảnh minh họa.(Nguồn: ecfr.eu)

Trung Quốc muốn phát triển nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống của 1,4 tỷ dân chứ không phải để thay thế Mỹ. Khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 20.000 USD, tổng GDP của nước này sẽ là 28.000 tỷ USD, lớn hơn 1/3 so với GDP hiện tại của Mỹ.

Ngay cả khi đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ thấp hơn ngưỡng của các nền kinh tế thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ bằng 30% của Mỹ. Vậy, mối đe dọa ở đây là gì?

Sai lầm thứ hai của Mỹ là hoàn toàn coi thường các quy luật kinh tế. Cả hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đều đang hoạt động trên cơ sở chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC), tuân theo sự phân bổ hiệu quả nhất của các nguồn lực, vốn, công nghệ, thị trường và nhân tài trên toàn thế giới. Các GSC chỉ tuân theo luật kinh tế, chứ không tuân theo ý muốn của các chính phủ.

Tiến về phía trước

Cả Trung Quốc và Mỹ đều cần nhận thức rõ ràng để rút ra những bài học chính trước khi hướng tới những cách thức thực tế, khả thi để giải quyết sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác.

Trước tiên, cả hai chính phủ cần phải đưa ra các quy tắc cụ thể để chung sống hòa bình, đã được Tập Cận Bình và Biden cùng đồng ý trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11/2021.

Chung sống hòa bình dựa trên 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không gây hấn; không can thiệp vào công việc nội bộ; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; và chung sống hòa bình. Do đó, Mỹ không nên tìm cách nhấn chìm thành công của Trung Quốc mà nên hợp tác vì sự thịnh vượng của cả hai bên.

Mỹ không nên thách thức Trung Quốc về vấn đề Đài Loan vì hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ cũng không nên thách thức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương vì đó là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Bằng cách tìm kiếm sự bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, các vấn đề thương mại có thể được loại bỏ khỏi các yếu tố chính trị.

Thứ hai, nhóm làm việc về thương mại của cả hai chính phủ nên bắt đầu các cuộc tham vấn nghiêm túc, thực chất để xác định các vấn đề chiến lược và thực tiễn.

Thứ ba, các hiệp hội ngành, nghề và văn phòng thương mại ở cả hai nước nên thành lập các nhóm làm việc chung về AI, 5G, chất bán dẫn, điện toán lượng tử và an ninh mạng để phát triển các đề xuất khả thi nhằm giải quyết các vấn đề hợp tác và an ninh. 

Thứ tư, hợp tác giữa các bang của Mỹ với các tỉnh của Trung Quốc cần được khuyến khích. Những hợp tác này nên bao gồm một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, thương mại điện tử xuyên biên giới, AI, 5G, nông nghiệp, công nghệ sinh học và thị trường vốn.

Những nỗ lực hợp lý, mang tính xây dựng của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia trong năm 2022 sẽ giúp Trung Quốc và Mỹ tìm ra những cách thức mới nhằm xoa dịu những căng thẳng hiện tại và xây dựng mối quan hệ ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục