Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa bị báo chí phanh phui, chiều 27/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức về hướng xử lý vụ việc.
Đủ điều kiện khởi tố hình sự
Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó Trưởng Công an Quận 12 cho biết, đến trưa 27/11, có 8 gia đình đưa con đến làm việc. Căn cứ vào chứng cứ hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công quan quận nhận thấy đủ dấu hiệu để khởi tố điều tra vụ án về tội “hành hạ người khác” và đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thụ lý. Sáng cùng ngày, nhiều người dân kéo đến trước Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh và thể hiện thái độ bức xúc. Công an Quận 12 đã điều động lực lượng đến hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự.
Bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh) đã đến làm việc tại Công an phường Hiệp Thành, Quận 12. Hai trường hợp bảo mẫu không có địa chỉ và chưa lên làm việc, Công an Quận 12 đang tiến hành xác minh. Bước đầu, bà Phạm Thị Mỹ Linh đã thừa nhận hành vi dùng tay chân, muôi múc canh, can nhựa… để đánh đập các bé. Theo bà Mỹ Linh, do các em còn nhỏ hiếu động, giáo viên đã dùng biện pháp này để dọa các bé.
Theo kết quả thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ sở Mầm non tư thục trông giữ 36 trẻ; trong đó, có 25 trẻ độ tuổi từ 3-5 tuổi, 11 trẻ từ 18-36 tháng, chủ yếu là con của các công nhân sinh sống trên địa bàn quận. Tại cơ sở này, chủ cơ sở là bà Phạm Thị Mỹ Linh có bằng chuyên môn Sư phạm Mầm non, có một cấp dưỡng có bằng sơ cấp nấu ăn và hai người giữ trẻ không có bằng cấp chuyên môn.
[Video] Người dân phẫn nộ việc bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu đánh giá, thời gian qua, mặc dù công tác kiểm tra, thanh tra được các cấp chính quyền địa phương và ngành Giáo dục thực hiện thường xuyên song vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em. Bà Thu yêu cầu các ngành chức năng không để tiếp tục xảy ra trường hợp bạo hành trẻ, phải quyết liệt trong bảo vệ trẻ, bởi hậu quả của việc bạo hành không chỉ gây tổn thương về mặt thân thể mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự phát triển về mặt tinh thần của các cháu trong tương lai. Trước một số thông tin từ dư luận, bà Nguyễn Thị Thu đề nghị các địa phương rà soát ngay có hay không việc cán bộ thông tin trước kế hoạch kiểm tra, thanh tra và có tình trạng bảo kê hoạt động các điểm giữ trẻ; nếu phát hiện phải kiên quyết xử lý mạnh tay.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Diễm Thu, để đảm bảo an toàn cho trẻ, Sở kiến nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để có sự giám sát thường xuyên đối với các nhóm lớp tư thục (chiếm 55%). Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho chủ nhóm, lớp, giáo viên và người giữ trẻ.
Bà Thu thừa nhận, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố có chủ trương hạn chế gắn camera vì ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên. Song sau sự việc này, Sở sẽ chỉ đạo gắn camera đối với các nhóm lớp tư thục. Sở kiên quyết đóng cửa và giải thể đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo an toàn cho trẻ, vi phạm quy chế chuyên môn của ngành.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Đào Xuân Hùng, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ việc lắp camera song cũng băn khoăn việc lắp đặt các đầu thu ở đâu vì nếu các cô cố ý đưa các cháu vào góc khuất của camera để thực hiện hành vi bạo hành. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cần phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiên cứu vấn đề này, tránh vi phạm quyền riêng tư. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu vấn đề này, khẩn trương báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Ủy ban Nhân dân Quận 12 đã tổ chức thăm khám sức khỏe cho các cháu. Hiện đã có 7 bé được thăm khám, các bé còn lại sẽ được thăm khám trong ngày 28/11./.