Dự đoán cán cân cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia

Kết quả thăm dò cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo nhận được khoảng 50% sự ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống, trong khi chỉ có khoảng 30% chọn ứng cử viên Prabowo Subianto.
Dự đoán cán cân cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Convesation mới đây đăng bài viết bàn về khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vào tháng 4/2019, nội dung như sau:

Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận được nhiều cơ quan và tổ chức chính trị tại Indonesia tiến hành trong năm 2018 đều cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo (Jokowi) nhận được khoảng 50% sự ủng hộ, trong khi chỉ có khoảng 30% số người được hỏi dự định lựa chọn ứng cử viên Prabowo Subianto.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu kết quả thăm dò trên đến nay có còn đúng hay không? Những khó khăn và rủi ro đối với Tổng thống Jokowi hiện nay là gì? Và liệu đối thủ Prabowo Subianto có thể lật ngược tình thế để giành chiến thắng?

Xét về sự ủng hộ của các chính đảng được quyền tham gia bầu cử tại Indonesia lần này, Tổng thống Jokowi đang có lợi thế lớn hơn để giành chiến thắng vì ông đã nhận được sự cam kết ủng hộ của 9 chính đảng lớn tại Indonesia trong tổng số 14 chính đảng đủ điều kiện tham gia bầu cử, trong đó phải kể đến đảng Đấu tranh vì Dân chủ Indonesia (PDIP) và đảng Golkar.

Cả hai đảng này hiện kiểm soát 36 nghế tại Hạ viện Indonesia (DPR). Trong khi đó, đối thủ Subianto chỉ nhận được sự ủng hộ của 5 đảng.

Dù có nhiều cơ hội, song khả năng Jokowi giành chiến thắng chưa thực sự chắc chắn. Tổng thống Jokowi giành được sự tín nhiệm của cử tri nhờ những nỗ lực trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, đối thủ Subianto vẫn có thể tận dụng các vấn đề khác để tấn công ông và giành lợi thế, nhất là vấn đề liên quan đến tôn giáo hết sức nhạy cảm tại Indonesia.

Tôn giáo đã trở thành nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của Basuki Tjahaja Purnama (hay còn gọi là Ahok) trong cuộc bầu cử Thống đốc Jakarta.

Ông Ahok - một người gốc Hoa, theo đạo Cơ đốc giáo - sau đó cũng không còn được lựa chọn là ứng cử viên liên danh tranh cử của Tổng thống Jokowi.

Rút ra được bài học từ sau thất bại của Ahok, Jokowi đã thay đổi chiến lược trong cuộc đua tranh để tái nhiệm bằng cách lựa chọn một nhân vật lãnh đạo Hồi giáo có uy tín là Ma'ruf Amin làm người liên danh tranh cử.

[Ứng cử viên tổng thống Indonesia lần đầu tranh luận trên truyền hình]

Ông Amin cũng là nhân vật đứng đầu Hội đồng Ulema Indonesia, cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất tại Indonesia và là hậu duệ của Abu Abdul Mu'ti Muhammad Nawawi, một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng ở miền Tây Java và từng là giáo sỹ của nhà thờ Hồi giáo Al-Haram ở Mecca, Saudi Arabia.

Để cùng Jokowi tranh cử, ông Amin đã từ chức cố vấn tối cao của tổ chức Nahdlatul Ulama (NU), một trong những tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia cũng như trên thế giới với 80 triệu tín đồ.

Bên cạnh đó, ông Jokowi cũng đẩy mạnh lôi kéo các thành viên phe đối lập để trợ giúp cho chiến dịch tranh cử của mình như ông Ali Mochtar Ngabalin, một chính trị gia Hồi giáo có tiếng của phe đối lập.

Kinh tế được xem là một nhân tố khó lường trong cuộc chạy đua sắp tới. Tổng thống Jokowi sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nếu nền kinh tế của Indonesia tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, thực tế là nền kinh tế này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vượt quá tầm kiểm soát của ông như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, các vấn đề liên quan đến Brexit mà Liên minh châu Âu phải đối mặt hay khủng hoảng ngân sách tại Italy…

Đầu tháng 9/2018, tỷ giá đồng rupiah của Indonesia lần đầu tiên trong 20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tăng giá đáng kể, tỷ giá rupiah so với USD Mỹ vượt mức 15.000 Rp đổi 1 USD.

Tháng 11/2018, đồng tiền này lại tiếp tục tăng mạnh song vẫn đối mặt với nguy cơ giảm giá do các bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Những lo ngại về thực trạng này có thể ảnh hưởng đến triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Jokowi.

Việc đồng rupiah bị yếu đi có thể sẽ không ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng cơ bản song chắc chắc sẽ tác động tới sức mua. Điều này cũng có thể tác động tới khả năng giành chiến thắng của Jokowi bởi nhiều cử tri chủ yếu quan tâm đến vấn đề lương thực-thực phẩm.

Trong khi đó, con đường đưa Prabowo Subianto - đối thủ của ông Jokowi - tới chiến thắng lại được xem là đơn giản hơn nhiều, cụ thể là tận dụng những tồn tại của nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, một loạt sai lầm chính trị có thể cản bước nhân vật này.

Thời gian qua, cả Subianto và ứng cử viên liên danh tranh cử Sandiaga Uno đều mạnh mẽ chỉ trích các chính sách kinh tế mà nhà lãnh đạo Jokowi thực hiện. Chiến lược của Sandiaga là gây nên những tranh cãi để hướng sự chú ý của truyền thông và mạng xã hội đến chiến dịch tranh cử của mình.

Tuy nhiên, dù Sandiaga đã có một số thành quả nhất định trong việc lôi kéo các cử tri thuộc thế hệ thiên niên kỷ và thể hiện rằng mình là một chính trị gia đích thực, hay chuyển hướng dư luận về các vấn đề kinh tế, bộ đôi này đã mắc một số sai lầm chính trị nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng giành chiến thắng.

Một trong những sai lầm lớn là việc Subianto tuyên bố rằng Phó Thống đốc Sandiaga Uno là cựu học sinh của các nội trú Hồi giáo nhằm hợp lý hóa quyết định liên danh tranh cử của nhân vật này. Lấy trọng tâm là các vấn đề tôn giáo, đội ngũ tranh cử của Subianto tuyên bố họ chỉ ủng hộ những học giả tôn giáo như ông Uno mà thôi.

Tuy nhiên, sự thật đã bị phơi bày. Sandiaga Uno, một tín đồ Hồi giáo, song lại tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục Cơ đốc giáo tư nhân có tên là PSKD và Pangudi Luhur, hay sau đó là Đại học Bang Wichita và Đại học George Washington tại Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, chính trị gia của Đảng Công lý thịnh vượng, ông Hidayat Nur Wahid, người ủng hộ Subianto và Uno thậm chí còn ca ngợi Sandiaga Uno là một học giả tôn giáo có kiến thức uyên thâm và sự việc này đã khiến cho dư luận càng thêm bất bình.

Nhiều ý kiến cho rằng với một người giàu có như Sandiaga Uno, tiền đúng là có thể mua được tất cả, kể cả tước hiệu và giá trị.

Một sai lầm khác liên quan đến câu chuyện bịa đặt của Ratna Sarumpaet, một thành viên trong đội ngũ tranh cử cảu ông Prabowo. Nữ quan chức này từng nói với truyền thông rằng cô đã bị một nhóm đàn ông tấn công lại Bandung.

Các thành viên phe đối lập nhanh chóng kêu gọi sự ủng hộ đối với Sarumpaet và chỉ trích phe của Tổng thống Jokowi đứng đằng sau vụ việc.

Tuy nhiên, sau đó tất cả chỉ là một câu chuyện được dựng lên và vết thương của Sarumpaet là do phẫu thuật thẩm mỹ. Vụ việc đã khiến Prabowo phải công khai lên tiếng xin lỗi và uy tín của phe đối lập bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó còn một loạt sai lầm chính trị khiến phe đối lập bị phân tâm nghiêm trọng bởi lực lượng này phải liên tục tìm cách giải quyết các bê bối, đưa ra những lời xin lỗi và luôn ở thế phòng thủ.

Nếu Prabowo Subianto tiếp tục để vướng vào những sai lầm ngớ ngẩn này, khả năng giành chiến thắng sẽ không còn nhiều dù cuối cùng ông có thể sẽ tìm được một cơ hội nào đó nếu nền kinh tế Indonesia không diễn biến sáng sủa.

Nói tóm lại, tại thời điểm này, người có khả năng giành chiến thắng nhất trong cuộc bầu cử sắp tới vẫn là Jokowi. Bằng việc áp dụng các chính sách bền vững, tránh để nền kinh tế Indonesia bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, kiểm soát tốt các vấn đề tôn giáo, Jokowi có thể sẽ dễ dàng đi tới chiến thắng.

Điều mà Jokowi cần là đảm bảo những cử tri mà ông tin là mình có thể dựa vào thực sự sẽ đi bỏ phiếu cho ông.

Trong khi đó, con đường đến với chiến thắng của Prabowo Subianto tuy rất hẹp, song vẫn còn cơ hội. Prabowo cần tiếp cận nhiều hơn đối với các cử tri thuộc nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, hạn chế những bình luận mang tính chia rẽ mà lực lượng ủng hộ thường đưa ra.

Quan trọng hơn, Prabowo cần có một chiến dịch tranh cử chặt chẽ hơn để tránh mắc thêm những sai lầm đáng tiếc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục