South China Morning Post đưa tin, trong một năm lãnh đạo, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đã phản ánh chính sách đảo ngược, điều đã khái quát hóa năm đầu tiên cầm quyền và gây xói mòn các mục tiêu chính của chính quyền đương nhiệm.
Khi năm thứ 2 cầm quyền sắp tới, giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách dự đoán mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục rạn nứt.
Cùng với tỷ lệ ủng hộ trong nước sụt giảm đối với Tổng thống Trump, vị thế của Washington trong một số vấn đề cấp bách nhất cần nhà lãnh đạo Mỹ xác định, những vấn đề vốn đòi hỏi sự hợp tác của Bắc Kinh, đã suy yếu: thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng lên và Triều Tiên dường như sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, kiêm cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến chu kỳ hành xử của ông Trump, một tổng thống khó đoán định, khi thì tử tế với Trung Quốc khi lại gay gắt với quốc gia Đông Bắc Á này.”
[Nhìn lại một năm cầm quyền của ông Donald Trump]
Chuyên gia Thời bày tỏ “không lạc quan” trước triển vọng quan hệ song phương bởi ông Trump dường như sắp áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ tiếp tục đi xuống trong tuần này, khi trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã bày tỏ “sự thất vọng” trước đà thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong năm ngoái và cho rằng “tình hình vượt quá sự kiểm soát.”
Chuyên gia Tiết Đại Lỗi từ Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh nhận xét: “Trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trên trường quốc tế, cấu trúc trong các mối quan hệ Trung-Mỹ đang thay đổi và mối quan ngại của Washington với Bắc Kinh sẽ tiếp tục hiện diện.”
Chuyên gia này cho biết, mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo hai nước trước đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định một loạt vấn đề khó khăn trong mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên ông Tiết cho rằng: “Tôi không nghĩ bất kỳ ai tại Trung Quốc hay tại bất kỳ nước nào có thể nói chắc rằng họ có khả năng tác động tới việc ra quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ.”
Trong khi đó, một số nhà phân tích hàng đầu khác nhất trí về đường hướng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Bà Elizabieth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng: “Cách tiếp cận trong chính sách của Tổng thống Trump, không chỉ với Trung Quốc mà còn toàn thế giới, rất khó để xác định rạch ròi trong những thời điểm khác nhau. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cần thúc đẩy việc định hình mối quan hệ này. Ai đó phải nắm vai trò dẫn dắt.”
Và Trung Quốc đang làm điều này bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các nước khác trong lĩnh vực thương mại trong khi mối quan hệ song phương với Washington đang căng thẳng.
Bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng thương mại của Mỹ ở Hong Kong cho rằng, cộng đồng doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc đại lục đang áp dụng cách tiếp cận “thủ thế.”
Bà Joseph cho rằng: “Chúng tôi không có cái nhìn chính xác về những chính sách của Washington. Chính quyền đương nhiệm là một kiểu chính quyền khác, do đó không có kịch bản sẵn có để theo đuổi. Tuy vậy, không ai muốn một cuộc khẩu chiến kịch liệt, điều này sẽ gây tác động xấu cho giới doanh nghiệp ở bất cứ đâu”./.