Dự kiến đợt xả nước về Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài đến 29/4

Dự kiến đợt xả nước về Đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo dài đến ngày 29/4 bởi vì ngày 10/4 Trung Quốc mới kết thúc đợt xả đầu tiên, do đó các địa phương cần nắm bắt tình hình để chủ động lấy nước.
Hồ chứa thủy điện An Khê, mực nước đã xuống thấp 3-4m. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Dự kiến đợt xả nước về Đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo dài đến ngày 29/4 bởi vì ngày 10/4 Trung Quốc mới kết thúc đợt xả đầu tiên và theo tính toán phải mất 19 ngày nước sẽ về đến Việt Nam.

Đó là nhận định của ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam tại buổi họp “Thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức chiều nay (5/4), tại Hà Nội.

Ông Cường cũng cho biết, việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc, với lưu lượng xả tăng từ 1.100m3/s lên 2.190m3/s và việc xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam( mất thời gian khoảng 8-10 ngày), được xem là nước sẽ về cùng với đợt nước về từ Trung Quốc đã gia tăng lượng nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày hôm qua (4/4). Theo đó, từ 7/4 trở đi vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu có hiệu quả đẩy mặn.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), từ tháng Ba các trạm ở đầu nguồn và dòng chính Mekong mực nước bắt đầu tăng. Cụ thể, tại trạm Chiang Sean ở đầu nguồn sông Mekong (theo dõi nguồn nước xả phía Trung Quốc về) dòng chảy tăng từ ngày 12 đến 14/3 và ổn định từ đó đến nay ở mức 3,24-3,41m; tăng khoảng 1m so với ngày 11/3, nhưng dòng chảy trung bình vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Lào tuyên bố xả nước phát điện vào khoảng 1130 m3/s từ ngày 23/3 đến hết tháng Năm.

“Dự kiến tổng lượng nước về đến Việt Nam cho cả đợt xả tại Tân Châu và Châu Đốc (hai cửa ngõ đầu vào trên sông Tiền và sông Hậu ở trên sông Mekong vào Đồng bằng sông Cửu Long) hết tháng Tư sẽ đạt khoảng 1,44 tỷ m3. Đây là một lượng nước rất đáng kể để chúng ta giải quyết bài toán hạn và có thể hỗ trợ được việc đẩy mặn trước mắt,” ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, chủ trì cuộc họp thông tin về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Chủ trì buổi họp, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi thông báo, cho đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nước ngọt. Như vậy trong tháng Tư, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25-40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Dự báo trong giai đoạn từ ngày 4/4-12/4 vùng cửa sông Cửu Long, mặn tiếp tục biến động nhẹ nhưng không sâu.

“Do đó, để tận dụng nguồn nước ngọt này, đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy ngọt (để dùng cho thời kỳ sau đó đến tháng 6,7) trong đó đặc biệt chú ý là mở các cống (ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít…) và bơm khi nước ngọt xuất hiện. Khi thực hiện việc lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước,” ông Tỉnh nêu rõ.

Thông tin về các giải pháp triển khai ứng phó với hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cũng cho biết, công tác cần quan tâm hiện nay là tiếp tục theo dõi, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, tăng cường giám sát dự báo nguồn nước để có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thủy sản; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Thêm vào đó, bằng mọi biện pháp cần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đặc biệt công trình mang tính chất kiểm soát ngăn mặn liên vùng và nghiên cứu những nơi có thể xây dựng hồ chứa cho vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục