Dư luận Mỹ và các nước Mỹ Latinh phản đối hủy bỏ tạm hoãn trục xuất

Quyết định hủy bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận.
Dư luận Mỹ và các nước Mỹ Latinh phản đối hủy bỏ tạm hoãn trục xuất ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, quyết định hủy bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước và khu vực Mỹ Latinh với quan ngại rằng khoảng 800.000 thanh niên lớn lên ở Mỹ đang đối mặt với một tương lai mù mịt.

Ngày 5/9, Tổng chưởng lý bang California và Massachusetts đã cùng với các đồng nghiệp ở bang New York và Washington tuyên bố sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cảnh vào Mỹ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA. Đây là những bang có số lượng lớn người nhập cư trái phép theo hình thức này. Tuy nhiên, các chuyên gia luật nhận định những vụ kiện này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Cùng tuyên bố sẽ nộp đơn kiện liên quan tới DACA còn có chính quyền thành phố New York, San Francisco và Chicago. Thị trưởng các thành phố này tuyên bố sẽ "chiến đấu" để bảo vệ cho những người nhập cư trẻ tuổi. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích quyết định này là "sai lầm" và "độc ác" khi nhắm vào những người trẻ tuổi chưa làm điều gì sai trái.

Các ý kiến phản đối cũng vang lên khắp "Thung lũng Silicon" với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới tuyển dụng nhiều người thuộc diện được hưởng ưu tiên từ DACA.

[Tổng thống Mỹ Trump bãi bỏ chính sách nhập cư DACA dưới thời Obama]

Những "đại gia" công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook, Microsoft hay Google lâu nay đã phản đối các chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump vì những công ty này phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động trẻ đến từ nhiều nước đã kêu gọi Quốc hội hành động với ưu tiên là bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi.

Nhiều đối tác của Tổng thống Trump và chính khách đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà lâu nay nước Mỹ theo đuổi. Trong khi đó, trước Nhà Trắng, hàng trăm người biểu tình cũng tụ tập để phản đối quyết định này.

Quyết định bãi bỏ DACA của Tổng thống Trump cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - những nước có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ. Các nước này tuyên bố sẽ vận động hành lang để các nhà lập pháp Mỹ bảo vệ những người nhập cư đến Mỹ từ nhỏ.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sẽ hành động thông qua kênh ngoại giao và dựa trên quy định quốc tế để Quốc hội Mỹ đưa ra một giải pháp nhanh chóng về vấn đề này, đồng thời cho biết đã gửi thư cho các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo quyền lợi và công lý cho những trẻ thuộc diện trên. Bộ này cũng cho biết sẽ liên hệ với Bộ An ninh nội địa Mỹ để theo sát quá trình thực hiện biện pháp mà Chính phủ Mỹ vừa công bố.

Ngoài ra, Chính phủ Mexico cũng khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng bị Mỹ trục xuất, tạo điều kiện để họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Hiện có gần 625.000 công dân Mexico đang được DACA bảo hộ. Trong khi đó, El Salvador, Guatemala và Honduras cũng có hàng chục nghìn công dân được bảo hộ theo chương trình trên.

Trước đó cùng ngày, bất chấp những lời cảnh báo của các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Trump đã quyết định bãi bỏ DACA và kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách luật nhập cư trên diện rộng, coi đây là cơ hội để Quốc hội thật sự hành động. Với quyết định, hàng trăm nghìn người nhập cư đang ở độ tuổi 20 sẽ có từ 6-24 tháng trước khi chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với lệnh trục xuất.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của Tổng thống Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi.

Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong hai năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ. Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu.

Cơ quan Di trú và công dân sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không. Tuy nhiên, trong thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions lập luận rằng chương trình này là vi hiến và đã khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp. Số người nhập cư trẻ tuổi đăng ký tại Mỹ hiện là khoảng 800.000 người, tuy nhiên, ước tính còn một khoảng tương đương số những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục