Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đi kèm với đổi mới cách dạy-cách học, việc đánh giá kết quả giáo dục cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn. Các trường học sẽ tổ chức đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục đào tạo vừa công bố chiều ngày 12/4 tại Hà Nội.
Xét tốt nghiệp trong tương lai
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu ra ba hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và đánh giá trên diện rộng ở cấp địa phương, quốc gia.
Việc đánh giá thường xuyên sẽ do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện. Việc đánh giá này sẽ dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Đặc biệt, đối với đánh giá định kỳ để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ do các cơ sở giáo dục thực hiện. Học sinh không phải trải qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được cơ sở giáo dục là các trường trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp.
Riêng đối với việc đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp trung học phổ thông, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phân công Vụ Giáo dục Trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình thực hiện khi cấp trung học phổ phông triển khai chương trình mới.
Đối với việc đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, cấp địa phương sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, từ nay đến năm 2020 việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thực hiện ổn định và việc đổi mới sẽ được áp dụng khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai.
“Nếu không đổi mới thi cử thì sẽ rất khó bắt buộc giáo viên đổi mới cách dạy, học sinh đổi mới cách học,” chuyên gia Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
“Chân dung” người học sinh mới
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xác định mục tiêu đổi mới là: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chứcgiáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.”
Dựa trên những yêu cầu của Nghị quyết 88, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ rõ “chân dung” người học sinh mới những những phẩm chất và năng lực cụ thể. Dự thảo xác định 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh gồm: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Dự thảo chương trình cũng nêu rõ 10 năng lực cốt lõi là những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Những năng lực chung góp phần hình thành, phát triển là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Bên cạnh chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng thể hiện việc đối mới giáo dục gắn với định hướng nghề nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông 3 năm. Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp và lớp 11, 12 sẽ phân hoá, định hướng nghề nghiệp rõ hơn.
“Chỉ trong vòng 10-20 năm nữa, những học sinh lớp 1 hiện nay sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo dự báo khi đó, 70% nghề nghiệp trên thế giới sẽ được thay thế bằng nghề nghiệp mới chưa thể hình dung ra được, đo đó nhu cầu đổi mới giáo dục đang trở thành xu hướng toàn cầu,” Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần hai chính thức được công bố trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện trình Chính phủ và Quốc hội./.
Hệ thống môn học ở bậc giáo dục tiểu học gồm: Tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ (môn học bắt buộc); thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn học bắt buộc có phân hóa) và tiếng dân tộc thiểu số (môn tự chọn).Bậc giáo dục trung học cơ sở gồm có các môn học: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý (môn học bắt buộc); Tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn học bắt buộc có phân hóa); Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn).
Bậc giáo dục trung học phổ thông với các môn học gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, thiết kế và công nghệ, giáo dục quốc phòng và an ninh (môn học bắt buộc); Tin học, giáo dục thể chất, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (bắt buộc có phân hóa); Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (tự chọn).
Đối với lớp 11, 12, tính chất phân hóa, định hướng nghề nghiệp rõ hơn bao gồm các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (bắt buộc). Nhóm môn học bắt buộc có phân hóa, học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, chuyên đề học tập. Ngoài ra, còn có các môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.