Năm 2025, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) sẽ đón trên 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 9.000 lượt khách; phấn đấu đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 27.000 lượt khách; đến năm 2050 đón trên 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 72.000 lượt khách.
Trên đây là những mục tiêu của Đề án phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai, khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Khu Du lịch Quốc gia vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu tổng thu từ khách du lịch, năm 2025 đạt trên 1.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt gần 5.200 tỷ đồng; đến năm 2050 đạt trên 20.000 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025, tỷ trọng du lịch trong tổng sản phẩm của huyện chiếm khoảng 8-10%, đến năm 2030 chiếm khoảng 27-28%; đến năm 2050 chiếm khoảng 36-38%.
Năm 2025, tạo việc làm cho khoảng 13.200 lao động (trong đó 4.400 lao động trực tiếp); năm 2030, tạo việc làm cho khoảng 33.300 lao động (trong đó 11.100 lao động trực tiếp); năm 2050, tạo việc làm cho khoảng 78.000 lao động (trong đó 26.000 lao động trực tiếp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh Lào Cai, được công nhận khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2019, đồng thời được xác định là trung tâm kết nối du lịch phía Đông của tỉnh theo cung đường từ Khu du lịch quốc gia Sa Pa-thành phố Lào Cai-huyện Bắc Hà-huyện Si Ma Cai-huyện Mường Khương; cung đường du lịch giữa các huyện phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang với tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, các tiềm năng du lịch của Bắc Hà chưa được phát huy và khai thác hiệu quả, chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, tạo sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc.
Do đó cần có những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để bứt phá du lịch địa phương gắn với phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và tỉnh trong việc xây dựng Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời mang "tầm nhìn" chiến lược với khát vọng phát triển Bắc Hà trở thành khu Du lịch Quốc gia trong dài hạn.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai, khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu du lịch quốc gia là quan trọng và cần thiết.
Bắc Hà là một trong những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh với khí hậu trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn, có giá trị khai thác như động Thiên Long (xếp hạng là danh thắng cấp quốc gia); núi Cô Tiên, xã Tà Chải; hang Tiên, xã Bảo Nhai; núi Ba Mẹ Con ở thị trấn Bắc Hà; rừng già xã Bản Liền; rừng nguyên sinh xã Tả Van Chư; rừng gỗ nghiến Cốc Ly... phù hợp với các hoạt động du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá.
Huyện còn có tài nguyên về du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa được xếp hạng, ghi danh gồm 4 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia: Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long và 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là di tích đồn Bắc Hà.
Bắc Hà còn có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc, trong đó “Nghi lễ kéo co dân tộc Tày, Giáy,” “Thực hành Then Tày, Nùng, Thái” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Huyện Bắc Hà còn nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao độc đáo, đặc biệt chợ phiên Bắc Hà đã từng được bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á và khu vực châu Á.
Huyện cũng gìn giữ các nghề thủ công truyền thống như nấu rượu ngô, may trang phục truyền thống bản địa của đồng bào Mông, Dao; làm cốm, đan nón lá, làm đàn tính, làm gậy sinh tiền, làm khèn Mông... có giá trị trong phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, trình diễn dân gian phục vụ du khách./.
Lào Cai: Phát huy tiềm năng nguồn dược liệu gắn với phát triển du lịch
Nhằm phát triển dược liệu gắn với du lịch, đặc biệt sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp.