Ngày 3/11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bác bỏ cáo buộc cùng ngày của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Berlin chứa chấp khủng bố.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức khẳng định ông không thể chấp nhận những lời bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan về tình hình an ninh ở Đức.
Ông Steinmeier nhấn mạnh Đức mong muốn có "mối quan hệ gần gũi và xây dựng" với Thổ Nhĩ Kỳ, song điều này không có nghĩa Berlin phải "im lặng trước những mối đe dọa đến tự do báo chí và ngôn luận."
Trước đó, cùng ngày 3/11, Tổng thống Erdogan cáo buộc "Đức đã trở thành một nơi ẩn náu quan trọng cho những kẻ khủng bố." Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển 4.000 hồ sơ về những đối tượng tình nghi ở Đức liên quan đến vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, song phía Đức không có hồi đáp nào.
Quan hệ giữa Berlin và Ankara trở nên căng thẳng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ khi Đức liên tục bày tỏ quan ngại về chiến dịch truy quét đối tượng tình nghi của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 2/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa lên tiếng chỉ trích vấn đề tự do báo chí và ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ khi giới chức an ninh nước này bắt giữ 13 nhà báo của tờ báo Cumhuriyet ủng hộ phe đối lập, trong đó có tổng biên tập của tờ báo. Trong khi đó, Can Dundar, cựu tổng biên tập của tờ báo nói trên, người đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh bắt giữ, hiện đang ở Đức.
Theo kênh truyền hình nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Đức đã cấp giấy phép thông hành cho Dundar sau khi hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ của nhân vật này bị hủy bỏ.
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, Chính quyền Tổng thống Tayip Erdogan đã chính thức bắt giữ hơn 37.000 đối tượng tình nghi liên quan và sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người thuộc quân đội, cảnh sát, ngành tư pháp, công chức nhà nước với cáo buộc có liên hệ với Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính./.