Đức bắt đầu giám sát ngặt nghèo việc sử dụng vũ khí xuất khẩu

Đức sẽ giám sát chặt chẽ xem những vũ khí mà nước này xuất khẩu đi các quốc gia khác có thuộc quyền sử dụng của người đặt mua như trong hợp đồng gốc hay không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Tờ Bưu điện sông Rhein (RP) ngày 30/8 đưa tin Đức đã triển khai thí điểm kế hoạch giám sát sử dụng vũ khí xuất khẩu của quốc gia này.

Bài báo dẫn lời người đứng đầu Cục Kinh tế và Kiểm soát vũ khí liên bang Đức (BAFA) Andreas Obersteller cho biết cơ quan này đang giám sát xem những vũ khí mà Đức xuất khẩu đi các quốc gia khác có thuộc quyền sử dụng của người đặt mua như trong hợp đồng gốc hay không.

Một trong những đánh giá đầu tiên đã được thực hiện với lô hàng súng trường chính xác cao xuất khẩu sang Ấn Độ, bên mua là một đơn vị thuộc chính phủ.

Kết quả cho thấy tất cả đều đang thuộc sở hữu của người mua theo hợp đồng gốc. Trong giai đoạn thử nghiệm này, BAFA nhắm tới những vũ khí nhỏ hạng nhẹ.

[Videographics] Thế giới đốt 100 tỷ USD vào buôn bán vũ khí mỗi năm

Các biện pháp giám sát được triển khai dựa trên những quy định mới trong luật buôn bán vũ khí sửa đổi từ thời Ngoại trưởng Sigmar Gabriel còn là Bộ trưởng Kinh tế liên bang, theo đó, Đức phải đảm bảo các quốc gia thứ 3 không thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuân thủ các quy tắc về việc ngăn chặn bán lại vũ khí nhập từ Đức.

Việc giám sát cũng chỉ được tiến hành trên cơ sở có sự chấp thuận của quốc gia nhập vũ khí.

Cho tới nay, Đức là thành viên EU đầu tiên triển khai kế hoạch giám sát như trên. Đây cũng là cơ chế giám sát ngặt nghèo nhất từng được áp dụng trong lịch sử quốc gia này.

Tính đến năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu vũ khí ở mức 6,85 tỷ euro, Đức hiện đứng thứ 5 thế giới trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục