Đức chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự ở Afghanistan sau gần 20 năm

Tối 29/6, máy bay quân sự đã đưa những binh sỹ Đức cuối cùng rời Afghanistan, chính thức khép lại sứ mệnh quân sự gây thiệt hại nặng nề nhất về người của Đức kể từ năm 1945 đến nay.
Đức chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự ở Afghanistan sau gần 20 năm ảnh 1Binh sỹ Đức tuần tra tại tỉnh Kunduz, Afghanistan, ngày 10/5/2013. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau gần 20 năm triển khai các sứ mệnh ở Afghanistan, quân đội Đức cuối cùng đã kết thúc nhiệm vụ ở quốc gia Trung Nam Á này.

Tối 29/6, máy bay quân sự đã đưa những binh sỹ Đức cuối cùng rời Afghanistan, chính thức khép lại sứ mệnh quân sự gây thiệt hại nặng nề nhất về người của Đức kể từ năm 1945 đến nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tối 29/6, máy bay vận tải đã đưa khoảng 250 binh sỹ Đức cuối cùng rời doanh trại Marmal thuộc căn cứ Mazar-i-Sharif ở phía Bắc Afghanistan để tới Tbilisi ở Gruzia và từ đây sẽ được chuyển tiếp về Đức.

Kế hoạch rút quân của Đức có sự tham gia của Mỹ với những máy bay vận tải khổng lồ C17 như một động thái bày tỏ tình đoàn kết giữa các đối tác NATO.

[Tổng thống Mỹ kêu gọi Afghanistan tự quyết tương lai]

Vào 22h ngày 29/6 theo giờ địa phương, máy bay cuối cùng của quân đội Đức rời Afghanistan là A400M màu xám của Không quân Đức, với chỉ huy Đức cuối cùng, Chuẩn tướng Ansgar Meyer, và khoảng 20 binh sỹ tinh nhuệ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm (KSK), vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer triển khai trước đó tới Afghanistan để đảm bảo an ninh cho việc rút quân.

Vì lý do an toàn, các máy bay quân sự được tắt bộ phát đáp khi đưa binh sỹ rời Afghanistan.

Ngoài ra, kế hoạch rút binh sỹ Đức cũng kèm theo việc đưa về nước khoảng 800 container khí tài quân sự như xe bọc thép, trực thăng, vũ khí và đạn dược khi cuộc rút quân bắt đầu.

Căn cứ Mazar-i-Sharif đã được tăng cường an ninh trong suốt thời gian Đức rút quân để phòng vệ trước nguy cơ bị Taliban tấn công.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer đã tôn vinh những binh sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với hơn 150.000 binh sỹ đã được triển khai cho những sứ mệnh ở Afghanistan trong gần 20 năm qua.

Tuyên bố của Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: "Đây là dấu chấm hết cho một chương lịch sử, một sứ mệnh chuyên biệt đã thử thách quân đội và ở đó quân đội liên bang (Đức) cũng đã chứng tỏ năng lực trong chiến đấu."

Đối với quân đội liên bang Đức, sứ mệnh ở Afghanistan là hoạt động gây thiệt hại nặng nề nhất về người, với 59 binh sỹ thiệt mạng, trong đó có 35 người tử vong trong các cuộc giao tranh hoặc bị tấn công.

Afghanistan là nơi binh sỹ Đức triển khai quân ở nước ngoài lâu thứ hai, sau sứ mệnh ở Kosovo, bắt đầu vào năm 1999.

Binh sỹ Đức được triển khai tới Hindukusch ở Afghanistan từ năm 2001 nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Mỹ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Sau khi sứ mệnh của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) kết thúc cuối năm 2014, các nước NATO và 14 nước đối tác từ năm 2015 đã bắt đầu sứ mệnh mới tại Afghanistan mang tên "Hỗ trợ kiên quyết" với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, cố vấn cho lực lượng an ninh sở tại mà không trực tiếp tham chiến.

Lúc cao điểm, Đức có tới 1.300 binh sỹ triển khai ở Afghanistan. Ngoài căn cứ trọng điểm ở Mazar-i-Sharif, Đức còn có các căn cứ nhỏ ở Kunduz và Faizabad.

Trong những năm qua, Đức là nước đóng góp quân lớn thứ hai ở Afghanistan, sau Mỹ.
Việc rút quân của Đức được đưa ra sau khi Mỹ quyết định chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan.

Dù vẫn chưa hoàn tất đàm phán một thoả thuận hòa bình với lực lượng Taliban, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút binh sỹ khỏi Afghanistan muộn nhất vào tháng Chín tới.

Hiện một số thông tin cho hay Mỹ sẽ hoàn tất rút quân vào ngày 4/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.