Ngày 28/4, giới chức Đức thông báo biến thể có khả năng lây lan rất nhanh của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã lan đến thành phố Koln.
Từ đầu năm 2021, thành phố này đã tiến hành xét nghiệm tất cả các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 để nghiên cứu mức độ bùng phát và lây lan của các biến thể, trong đó đã phát hiện các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil xuất hiện nhiều ở thành phố này.
Theo Viện Robert Koch (RKI), đây không phải lần đầu tiên biến thể ở Ấn Độ được ghi nhận trong các ca nhiễm tại Đức.
Theo RKI, xét nghiệm ngẫu nhiên cho thấy đã có 22 ca nhiễm biến thể ở Ấn Độ, trong khi phần lớn là biến thể ở Anh. RKI cho biết có nhiều chỉ dấu cho thấy biến thể ở Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao, song chưa phải là biến thể "đáng lo ngại."
[Đức chưa nới lỏng các hạn chế, Hy Lạp mở rộng danh sách miễn cách ly]
Theo nhà chức trách Đức, việc tiêm vaccine đã giúp làm giảm rõ rệt số người trên 80 tuổi tử vong vì COVID-19. Tính đến ngày 4/4, khoảng 75% trong tổng số khoảng 5,6 triệu người trên 80 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trong khi đó, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ngày càng tăng ở độ tuổi trẻ hơn khiến giới chuyên môn và các chính trị gia kêu gọi nhanh chóng tiêm chủng cho người trẻ tuổi do họ là nhóm người năng động, đi lại và tiếp xúc nhiều, do vậy có nguy cơ lây nhiễm cao và sau đó lại truyền bệnh cho người khác.
Số liệu của RKI cho thấy trong 7 ngày qua, chỉ số lây nhiễm trung bình ở lứa tuổi từ 10-14 đã tăng từ 200/100.000 người lên 230/100.000 người so với một tuần trước, trong khi nhóm tuổi từ 5-9 tuổi cũng tăng lên 220/100.000 người.
Phát biểu tại họp báo ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận chiến dịch tiêm phòng nhanh chóng đã rất hữu ích nhưng vẫn còn quá nhiều người đang phải điều trị tích cực.
Theo bộ trưởng Spahn, số ca nhiễm dường như đang giảm, song chưa đủ để khẳng định rằng làn sóng thứ ba đã đạt đỉnh./.