Đức kêu gọi mở đường cho các nước Tây Balkan gia nhập EU

Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức đã lên tiếng kêu gọi Pháp và Hà Lan mở đường cho phép Albania và Macedonia, hai quốc gia thuộc khu vực Tây Balkan, bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU.
Ảnh minh họa. (Nguồn: zeus.aegee.org)

Ngày 26/6, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Chính phủ Đức đã lên tiếng kêu gọi Pháp và Hà Lan mở đường cho phép Albania và Macedonia, hai quốc gia thuộc khu vực Tây Balkan, bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại Luxembourg, Bộ trưởng EU của Đức, Michael Roth, cho biết Chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ Albania và Macedonia gia nhập EU. Ông cũng kêu gọi Pháp và Hà Lan ủng hộ tiến trình này.

Vấn đề các nước Tây Balkan gia nhập EU đang gây ra bất đồng lớn trong khối khi Pháp và Hà Lan phản đối mạnh mẽ còn Đức và một số nước khác muốn thúc đẩy.

[Đức cảnh báo những rào cản với Albania trong tiến trình gia nhập EU]

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng bản thân EU cần phải cải tổ trước, sau đó mới kết nạp các thành viên mới. Ngược lại, Đức muốn đưa 6 nước thuộc Tây Balkan vào EU càng sớm càng tốt nhằm củng cố sự ảnh hưởng của khối tại khu vực.

Albania, Bosnia, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia đều hy vọng sẽ gia nhập EU. Trong khi các cuộc đàm phán gia nhập EU với Serbia và Montenegro đang được tiến hành, Albania, vốn đã là thành viên của NATO, và Macedonia cũng mong đợi sẽ có bước tiến triển trong việc trở thành thành viên EU.

Tuy nhiên, trong cuộc họp tối 25/6, các đại diện EU đã không thể đạt được thỏa thuận và soạn ra văn kiện để các bộ trưởng EU ký trong cuộc gặp ngày 26/6 tại Luxembourg.

Giới chuyên gia cho rằng vấn đề này có thể sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 28/6.

Quốc hội Hà Lan mới đây đã thông qua việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU với Macedonia sau khi nước này đạt được thỏa thuận với Hy Lạp về việc đổi tên chính thức từ Cộng hòa Macedonia sang Cộng hòa Bắc Macedonia.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Hà Lan cho biết nước này muốn chờ tín hiệu từ phía Pháp.

Trong khi đó, Albania gặp nhiều khó khăn hơn khi cả Pháp và Hà Lan đánh giá rằng việc cải cách tư pháp, chống tham nhũng và chống tội phạm có tổ chức chưa được thực hiện đúng mức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục