Châu Âu và Mỹ nên duy trì các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi các bên liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine đạt được tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận Minsk ký năm 2015.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vừa đưa ra khuyến nghị trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại vùng miền Đông Donbass tiếp tục leo thang trong tuần qua.
Trong bài phỏng vấn báo Passauer Neue Presse, đăng ngày 18/3, Ngoại trưởng Gabriel đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì sức ép với Nga trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Liên quan vấn đề này, trong cuộc hội đàm ngày 17/3 với Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp "hòa bình" đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông cũng cảm ơn bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vì đã tìm kiếm một giải pháp hòa bình tại Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định mong muốn tìm kiếm một giải pháp an toàn và đảm bảo cho Ukraine song song với cải thiện quan hệ với Nga. Dự kiến, tháng 5 tới, nhà lãnh đạo Đức sẽ tới Nga.
Theo số liệu thống kê mới nhất, xung đột tại miền Đông Ukraine trong 3 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người.
Trong tuần qua, căng thẳng tại đây tiếp tục leo thang khi Kiev quyết định tạm ngừng mọi liên lạc giao thông với vùng Donbass cho đến khi các lực lượng đòi độc lập trả lại các doanh nghiệp Ukraine cho quyền tài phán của Ukraine.
Từ tháng 7/2014, phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với các cáo buộc Moskva đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan và có những biện pháp đáp trả tương xứng.
Hiện EU đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, do vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên./.