Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trực tuyến ngày 21/11 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc phân bổ vắcxin trên toàn cầu.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, thế giới có thể chế ngự được virus SARS-CoV-2 cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19 nếu hợp tác cùng nhau. Theo bà Merkel, chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng Merkel, để có thể kiểm soát đại dịch, cần phải tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắcxin với mức giá phải chăng. Bà Merkel cũng kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc.
Bà Merkel cho rằng số tiền cam kết cho tới nay vẫn chưa đủ cho mục tiêu phân phối vắcxin trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi sự hợp tác đa phương, coi đây là chìa khóa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Theo báo chí Đức, hiện chưa rõ lời kêu gọi củng cố WHO có được đưa vào tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, trong bối cảnh Mỹ đã rời khỏi tổ chức đa phương này. Tuy nhiên, trong bản dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn đại dịch COVID-19, duy trì đời sống, việc làm và thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng cảnh báo tình trạng phục hồi kinh tế toàn cầu không cân bằng, không chắc chắn đi kèm với các nguy cơ ngày càng gia tăng đối với triển vọng kinh tế thế giới. Trong dự thảo, G20 cũng cam kết đảm bảo để các nước nghèo có thể tiếp cận vắcxin, thuốc điều trị và xét nghiệm phòng ngừa COVID-19.
[G20 bàn giải pháp sử dụng mọi nguồn lực để ngăn chặn đại dịch COVID-19]
Tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày của G20, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 đảm bảo việc phân bổ công bằng vaccine phòng COVID-19. Theo ông Tedros, đó là điều kiện để có thể kiểm soát đại dịch, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới.
Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh các nước G20, vốn chiếm 2/3 dân số thế giới và 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz cho rằng đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường này.
Quốc vương Saudi Arabia nêu rõ, đại dịch COVID-19 là một cú sốc ảnh hưởng đến toàn thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, toàn thế giới sẽ cố gắng hết sức để vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác quốc tế.
Quốc vương Salman đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng nhằm trấn an người dân thông qua việc áp dụng các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Theo Quốc vương Salman, mặc dù thế giới lạc quan về những tiến bộ đạt được đối với việc phát triển vắcxin cũng như các phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19, song toàn thế giới phải nỗ lực để đưa ra cách tiếp cận công bằng và hợp lý đối với những công cụ này cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, Quốc vương Salman cho biết để giảm thiểu những thách thức do đại dịch mang lại, các nước G20 đã hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có cơ chế chung về việc giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp.
Quốc vương Saudi Arabia cũng kêu gọi mở cửa lại biên giới và nền kinh tế để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định các nước G20 sẽ nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế./.