Ngày 7/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, không từ bỏ những mục tiêu về năng lượng tái tạo, bất chấp tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Scholz cho biết kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã gặp nhiều khó khăn khi Nga hạn chế nguồn cung năng lượng và giá khí đốt tăng cao. Hiện Đức đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khi đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông. Giới chức nước này đã quyết định tái khởi động các nhà máy điện than “trong một thời gian ngắn.”
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cam kết Đức sẽ kiên định theo đuổi mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.
Thủ tướng Scholz nêu rõ áp lực từ việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho thấy việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo là một "mệnh lệnh chính sách an ninh." Việc hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ giảm bớt hạn hán, lũ lụt, giảm xung đột tài nguyên, giảm nạn đói cũng như mất mùa, từ đó đảm bảo an ninh và phúc lợi cho tất cả người dân.
[Năng lượng tái tạo giúp ổn định kinh tế và giải quyết lạm phát]
Theo Thủ tướng Scholz, ngoài việc giảm sử dụng than đá, Đức đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nhà cung cấp mới, trong đó có Mỹ và Qatar. Berlin cũng tăng cường đầu tư các chương trình môi trường quốc tế, nâng tổng số tiền đầu tư lên 6 tỷ euro.
Theo Bộ Phát triển Đức, riêng số tiền tài trợ cho công tác bảo vệ rừng đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi lên 2 tỷ euro. Số tiền này chủ yếu được đầu tư thông qua các chương trình hợp tác với các nước, trong đó có Brazil, Ecuador, Madagascar và Pakistan.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định khí hậu và an ninh năng lượng là hai vấn đề “song hành,” theo đó các nhà lãnh đạo trên thế giới cần nhanh chóng hành động để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại COP27, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng giá năng lượng tăng cao trên thế giới không phải là "cái cớ" để làm chậm cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trên thực tế, đây là lý do để các nước hành động nhanh hơn./.