Đức, Na Uy lấy làm tiếc khi Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Nhiều nước châu Âu lấy làm tiếc trước việc Nga tuyên bố bắt đầu rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực duy trì hiệp ước quan trọng về kiểm soát vũ khí.
Máy bay Nga trên bầu trời thủ đô Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/1, Giới chức Đức bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga thông báo chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, đồng thời sẽ gây ra những tác động cụ thể đối với an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu. 

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng Moskva sẽ có lợi khi là duy trì đối thoại mang tính xây dựng về tương lai của hiệp ước, trong khi tất cả các quốc gia ký kết hiệp ước gần đây đã đồng ý cân nhắc về các đề xuất khác nhau mà Nga đã đưa ra sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Theo người phát ngôn này, bất kể Nga quyết định ra sao, Đức sẽ vẫn ủng hộ tiến trình hiện đại hóa việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường ở châu Âu và vì châu Âu - một mục tiêu vì lợi ích của tất cả các nước trước những thách thức thời đại đối với hòa bình và an ninh.

Trong một bức thư chung gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tháng 12/2020, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng ngoại trưởng 15 nước châu Âu đã khẳng định rằng các nước châu Âu muốn tuân thủ và thực thi đầy đủ hiệp ước.

[Nga xúc tiến các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho biết nước này cảm thấy thất vọng trước việc Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.

Ngoại trưởng Soreide cho rằng Hiệp ước Bầu trời Mở đã đóng góp rất nhiều trong việc giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an ninh chung. Theo Ngoại trưởng Soreide, Na Uy sẽ thảo luận với các thành viên còn lại về cách thức duy trì hiệp ước trong tương lai.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Moskva đang bắt đầu các thủ tục cần thiết để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở do thiếu tiến triển trong việc đàm phán và duy trì thỏa thuận.

Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp ước vào ngày 22/11/2020, 6 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định ngừng tham gia.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau. Tuy nhiên, cả Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục