Đức, Pháp và Bỉ siết chặt kiểm soát nguồn lây nhiễm COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện tại, Chính phủ Đức và Pháp sẽ siết chặt kiểm soát để hạn chế xu hướng gia tăng số ca lây nhiễm ở mức cao hiện nay.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức ngày 14/8/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức ngày 14/8/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 8/10 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.380.895 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.059.972 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 27.395.786 người, trong khi số người đang trong tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch là 67.370 người.

Đức siết chặt kiểm soát nguồn lây nhiễm

Chính phủ Đức và chính quyền các bang ở nước này ngày 7/10 đã nhất trí siết chặt các biện pháp kiểm soát nguồn lây nhiễm nhằm kiềm chế xu hướng gia tăng số ca lây nhiễm ở mức cao hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun đã họp trực tuyến với đại diện 16 bang và nhất trí rằng tình trạng lây nhiễm đang gia tăng mạnh ở Đức khi thời tiết lạnh giá bắt đầu.

Để đảm bảo việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm và truy vết tiếp xúc cũng như không để xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, các bang đã nhất trí thực thi nhất quán kế hoạch phòng chống lây nhiễm thông qua các quyết định phòng ngừa đã được thông qua trước đó.

Trong số này có việc áp đặt các biện pháp hạn chế ngặt nghèo đối với những khu vực bị coi là điểm nóng của dịch khi số trường hợp nhiễm mới vượt 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày.

Theo quan chức trên, với các điểm nóng của dịch, Chính phủ liên bang và bang liên quan phải cùng phối tăng cường năng lực truy vết tiếp xúc và tiến hành xét nghiệm. Mục đích quan trọng nhất của việc triệt để thực thi các biện pháp là khởi động lại nền kinh tế cũng như duy trì hoạt động của các trường học và nhà trẻ.

Cũng tại cuộc họp, những người tham dự cũng kêu gọi người dân ở các điểm nóng không đi tới các vùng khác. Theo ông Braun, Chính phủ liên bang và các bang đã nhất trí cấm những người từ các điểm nóng được qua đêm tại các khách sạn, nhà nghỉ ở những vùng khác, đồng nghĩa với việc họ không được lưu trú ngoài nơi cư trú, ngoại trừ trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước đó không quá 48 giờ.

Được biết đã có 11 bang ủng hộ quy định chặt chẽ này trong khi 5 bang đang xem xét hoặc chưa ủng hộ, gồm Berlin, Bremen, Mecklenburg-Vorpommern, Niedersachsen và Thüringen.

Ngay trước đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder đã thông báo bắt đầu từ ngày 8/10 cấm lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ đối với những người từ điểm nóng của dịch tới bang miền Nam nước Đức, trừ trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính.

Hiện trên cả nước Đức có 7 điểm nóng của dịch với tỷ lệ nhiễm mới vượt 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày, trong đó riêng Berlin có 4 điểm nóng là các quận Mitte, Neukölln, Tempelhof-Schöneberg và Friedrichshain-Kreuzberg.

Có khả năng Berlin sẽ bị bổ sung thêm quận Charlottenburg-Wilmersdorf vào danh sách này khi số ca nhiễm ở đây ngày 7/10 đã vượt 50 ca/100.000 dân.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 8/10: Hơn 36,3 triệu ca nhiễm]

Trong khi đó, Đức ngày 7/10 đã bổ sung thêm toàn bộ lãnh thổ Gruzia, Jordan, Romania và Tunisia vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao đối với COVID-19.

Ngoài ra, nhiều khu vực tại các nước như Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Litva, Slovakia, Slovenia và Hungary cũng đã được bổ sung vào danh sách.

Tối cùng ngày 7/10, giới chức Đức thông báo đã ghi nhận tổng cộng 3.439 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất ghi nhận trong ngày kể từ ngày 17/4. Số trường hợp tử vong cũng tăng 20 ca, lên 9.568 người.

Tổng thống Pháp công bố các quy định mới để kiểm soát dịch

Ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ sẽ áp đặt các quy định mới để kiểm soát đại dịch COVID-19 ở nước này. Tuyên bố được đưa ra trong thời điểm Pháp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong những ngày qua.

Trả lời phỏng vấn truyền hình, Tổng thống Macron nói: "Cần phải có những quy định mới cho những khu vực, nơi dịch bệnh diễn biến quá nhanh. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với nhau. Chúng ta cần phải chăm sóc người cao tuổi. Hiện lực lượng y bác sỹ của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn."

Đức, Pháp và Bỉ siết chặt kiểm soát nguồn lây nhiễm COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Paris, Pháp, ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thông tin trên được đưa ra trong thời điểm Pháp ghi nhận 18.746 ca mới mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 653.509 ca.

Dự kiến, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, cùng với Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, sẽ tổ chức một cuộc họp báo đánh giá tình hình và công bố chi tiết những quy định mới trong ngày 8/10.

Đầu tuần này, thủ đô Paris cùng ba khu vực lân cận đã được đặt trong tình trạng báo động cao cùng với các biện pháp tăng cường, như yêu cầu đóng cửa các quán bar, bể bơi hay phòng tập. Những cơ sở giải trí khác như rạp xiếc, vũ trường hay các trung tâm triển lãm cũng phải dừng hoạt động.

Các nhà hàng, rạp chiếu phim hay bảo tàng được phép mở nhưng với các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm giãn cách.

Hiện số lượng người được phép tham dự các sự kiện công cộng cũng bị giảm từ 5.000 xuống còn 1.000 người, trong khi tụ tập hơn 10 người cũng bị cấm tại các không gian mở như bãi biển hay công viên. Những quy định này trước đó đã được áp dụng tại khu vực Bouches-du-Rhone xung quanh thành phố Marseille kể từ ngày 28/9.

Liên tiếp chính phủ các vùng của Bỉ phải thực hiện cách ly

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 7/10, nội các vùng Wallonie (vùng nói tiếng Pháp của Bỉ) đã thực hiện cách ly do Bộ trưởng Dịch vụ công và Du lịch, bà Valérie De Bue có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngân sách chính phủ vùng Thủ đô Brussels, ông Sven Gatz cũng thông báo mắc COVID-19. Theo đó, phần lớn nội các của vùng Thủ đô Brussels đã thực hiện cách ly theo quy định và tiến hành xét nghiệm virus SARS-Cov-2 trong ngày 2 ngày 7 và 8/10.

Chủ tịch vùng Thủ đô Brussels, ông Rudi Vervoort cùng một số quan chức cấp cao đã tiếp xúc gần với ông Sven Gatz trong buổi họp chính phủ ngày 1/10.

Theo phát ngôn viên của chính phủ vùng Thủ đô Brussels, các hoạt động chính thức của chính phủ vùng này đều phải tạm ngừng để chờ kết quả xét nghiệm virus SARS-Cov-2 của các thành viên nội các.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bỉ đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo số liệu mới cập nhật của Viện Y tế Quốc gia Bỉ (Sciensano), trong tuần qua tại Bỉ có trên 2.400 ca nhiễm mới và 80 ca bệnh nặng phải nhập viện mỗi ngày.

Vương quốc Bỉ là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới vì đại dịch COVID-19. Dân số chỉ xấp xỉ 11,5 triệu người, nhưng kể từ đầu đại dịch tới nay tại Bỉ đã có tới 134.291 ca mắc bệnh, trong đó có 10.092 ca tử vong.

Vương quốc Bỉ là nhà nước liên bang với hệ thống chính phủ riêng rẽ của 3 vùng là Wallonie (vùng nói tiếng Pháp), Flamande (vùng nói tiếng Hà Lan) và Thủ đô Brussels (vùng song ngữ sử dụng cả tiếng Pháp và Hà Lan).

Đức, Pháp và Bỉ siết chặt kiểm soát nguồn lây nhiễm COVID-19 ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục