Đức: Thủ tướng Merkel huy động sự ủng hộ cho ứng cử viên Laschet

Theo bà Merkel, trên cương vị là Thủ hiến bang đông dân nhất nước Đức, ông Laschet đã chiến đấu để bảo đảm từng việc làm cho người dân Đức và ông cũng sẽ làm tốt điều này khi trở thành thủ tướng Đức.
Thủ tướng Angela Merkel và ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet. (Nguồn: Getty Images)

Gần một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức, Thủ tướng Angela Merkel tối 21/9 đã tham gia cuộc vận động tranh cử tại khu vực bầu cử Stralsund thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern nhằm ủng hộ ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông Laschet vẫn thấp so với ứng cử viên thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, xuất hiện bên cạnh ứng cử viên Laschet trong sự kiện vận động diễn ra ở thành phố Hansestadt tại Stralsund, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi cử tri tin tưởng, đồng lòng ủng hộ cho CDU, các ứng cử viên của đảng trung hữu cũng như ứng cử viên thủ tướng của đảng là ông Laschet.

Nhà lãnh đạo Đức cho rằng việc lựa chọn ứng cử viên Laschet là sự đảm bảo cho một nền kinh tế mạnh cũng như đảm bảo việc làm cho nước Đức, gắn kết nước Đức với những gì tốt đẹp nhất trên thế giới.

Theo bà Merkel, trên cương vị là Thủ hiến bang đông dân nhất nước Đức, ông Laschet đã chiến đấu để bảo đảm từng việc làm cho người dân Đức và ông cũng sẽ làm tốt điều này khi trở thành thủ tướng Đức.

Bà cũng nhấn mạnh ông Laschet còn là sự lựa chọn tốt nhất đối với các cơ quan an ninh, cảnh sát và lực lượng vũ trang.

Cũng phát biểu tại đây, Thủ tướng Merkel đã phản đối việc hình thành một liên minh giữa ba đảng gồm SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả sau bầu cử, nhấn mạnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu cần một nền tài chính vững chắc do nợ mới ở mức cao vốn phát sinh do đại dịch COVID-19.

[Bầu cử Đức: Ứng cử viên đảng SPD giành ưu thế sau màn tranh luận cuối]

Bà cũng cảnh báo một liên minh Đỏ-Xanh-Đỏ như vậy có thể "làm suy yếu" phanh nợ ở Đức, khiến châu Âu có nguy cơ rơi vào gánh nợ kéo dài, không chỉ là vay nợ một lần để bổ sung cho quỹ tái thiết châu Âu như hiện nay.

Về phần mình, ứng cử viên Laschet tập trung vào vấn đề an ninh nội địa, kêu gọi tiến hành cuộc quyết chiến chống nguy cơ khủng bố do các đối tượng Hồi giáo cực đoan và lực lượng cực hữu gây ra.

Theo ông, kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào giáo đường Do Thái ở thành phố Hagen của Đức giữa tháng vừa qua chỉ có thể ngăn chặn được do có chỉ dấu và sự hỗ trợ của tình báo nước ngoài.

Ông nhấn mạnh chính phủ liên bang mới của Đức sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền các bang cũng như các đối tác quốc tế trong nỗ lực chống khủng bố, song điều này sẽ khó thực hiện với một liên minh khác cầm quyền.

Trước đó, ông Laschet đã gọi sự xuất hiện của Thủ tướng Merkel trong chiến dịch tranh cử là sự hậu thuẫn quý đối với bản thân ông, bởi kể từ khi từ chức Chủ tịch CDU, bà Merkel rất hạn chế tham gia vào các hoạt động của đảng.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Merkel còn xuất hiện cùng ông Laschet tại hai sự kiện nữa vào cuối tuần này trước ngày bầu cử.

Cũng liên quan tới chiến dịch tranh cử, phát biểu tại sự kiện ngày 21/9 ở Soltau thuộc bang Niedersachsen, ứng cử viên thủ tướng của SPD Olaf Scholz bày tỏ hy vọng đảng trung tả thậm chí sẽ giành kết quả tốt hơn nữa trong cuộc bầu cử so với kết quả các cuộc thăm dò dư luận hiện nay.

Ông Scholz bày tỏ rằng xu hướng tinh thần của cử tri trong bầu cử dành cho SPD sẽ tốt hơn so với khi thăm dò và điều đó sẽ được duy trì trong suốt tuần này, bất chấp những lùm xùm xung quanh vụ điều tra chống rửa tiền nhằm vào Bộ Tài chính do ông đứng đầu.

Ứng cử viên CDU/CSU Laschet trước đó chỉ trích ông Scholz thiếu minh bạch trong vụ việc này, cho rằng việc ứng cử viên của SPD đích thân tới giải trình trước Quốc hội (thay vì hiện diện trực tuyến) là do ông "chịu sức ép" của công luận.

Theo kết quả thăm dò do Viện Forsa thực hiện và công bố ngày 21/9, SPD vẫn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ với 25% số phiếu, tiếp theo là CDU/CSU 22%, đảng Xanh 17%, FDP 11% và đảng Cánh tả 6%. Kết quả thăm dò này hầu như được giữ nguyên trong 1 tuần qua.

Đáng chú ý tại cuộc tranh luận lần thứ ba vừa qua của bộ 3 ứng cử viên thủ tướng, SPD và đảng Xanh thể hiện nhiều điểm tương đồng hơn.

Hai đảng này bày tỏ khả năng có thể bắt tay lập liên minh cầm quyền (có thể cùng với đảng thứ 3), nhấn mạnh rằng "đã đến lúc đẩy CDU/CSU sang phía đối lập."

Chủ tịch nhóm nghị sỹ CSU trong Quốc hội Alexander Dobrindt bày tỏ hoài nghi CDU có thể lập được chính phủ nếu chỉ "về nhì" trong cuộc bầu cử tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục