Đức và EU đạt thỏa thuận về sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035

Đức và EU cùng nhất trí vẫn cho phép đăng ký xe ôtô mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa về khí hậu.
Công nhân làm việc tại nhà máy của hãng ôtô Volkswagen ở Zwickau, miền Đông Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 thông báo đã đạt được thỏa thuận về tương lai của ôtô sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 nhằm chống biến đổi khí hậu.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo trên Twitter của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên phụ trách môi trường EU Frans Timmermans cho viết EU đã đạt được thỏa thuận với Đức về việc sử dụng nhiên liệu điện tử tổng hợp (efuel) cho ôtô trong tương lai và sẽ phối hợp đưa ra các quy chuẩn về khí thải đối với xe ôtô trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, hai bên nhất trí vẫn cho phép đăng ký xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa về khí hậu.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing cũng thông báo thỏa thuận đạt được tối 24/3 đã mở cánh cửa đối với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa về khí hậu, theo đó các phương tiện này vẫn có thể đăng ký hoạt động sau năm 2035.

Chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) này cũng cho biết các bước đi cụ thể về mặt thủ tục đã được ấn định và tiến trình có thể hoàn tất vào mùa Thu năm 2024.

[Đức làm khó các đối tác EU khi yêu cầu sửa quy định vào phút chót]

Tháng 10/2022, Nghị viện châu Âu và các quốc gia EU đã nhất trí từ năm 2035 sẽ chỉ cho phép đăng ký trong EU những ôtô mới không phát thải. Tuy nhiên, Đức lại muốn cả những ôtô mới có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu efuel có thể được đăng ký sau thời điểm này.

Theo lập luận của Berlin, các ôtô này tuy sử dụng động cơ đốt trong nhưng lại dùng nhiên liệu tổng hợp được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và trung hòa về khí hậu.

Do vậy, kế hoạch phê chuẩn của các nước EU đầu tháng Ba vừa qua đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Đức.

Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Đức và Ủy ban châu Âu sau đó đã đàm phán nhằm thỏa hiệp và đạt được thống nhất như trên. Tuy nhiên, nhiều đối tác EU đã phản ứng khó chịu với hành động của Đức trong vụ việc này.

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy sẽ "rất khó khăn cho tương lai" và thật ngạc nhiên khi một chính phủ đột nhiên có quyết định khác những gì đã thỏa thuận.

Theo nhà lãnh đạo này, toàn bộ cấu trúc của quá trình ra quyết định sẽ sụp đổ nếu các nước đều làm như vậy.

Kế hoạch trên cũng đã dẫn tới những bất đồng trong liên minh cầm quyền ở Đức giữa đảng FDP vốn thân doanh nghiệp và đảng Xanh vốn ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn động cơ đốt trong.

Trong khi đó, liên minh bảo thủ đối lập CDU/CSU cũng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm xe sử dụng động cơ đốt trong trên toàn EU, cho rằng lệnh cấm sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp ôtô ở Đức.

Các ý kiến ủng hộ lệnh cấm cho rằng công nghệ pin/điện phù hợp hơn với ôtô và chỉ nên sử dụng nhiên liệu tổng hợp trong các lĩnh vực không còn lựa chọn nào khác, chẳng hạn như trong ngành hàng không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục