Các bộ trưởng giao thông của Cộng hòa Séc, Đức, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Hungary và Slovakia hôm 13/3 đã thảo luận về nỗ lực thay đổi giới hạn khí thải phương tiện giao thông do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.
Tiêu chuẩn khí thải Euro 7 được các thành viên EU và các nhà lập pháp bắt đầu đàm phán trong năm nay. Theo đó, tiêu chuẩn khí thải mới sẽ thắt chặt các giới hạn đối với các chất gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe, bao gồm cả oxit nitơ (N2O).
Theo quan điểm của EU "lợi ích sức khỏe sẽ vượt xa chi phí để đạt được tiêu chuẩn khí thải này." Tuy nhiên, các quốc gia, bao gồm cả Cộng hòa Séc, Đức, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Hungary và Slovakia đã phản đối các quy tắc được đề xuất mà họ cho là "gánh nặng" cho ngành công nghiệp, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất ôtô.
Một quan chức EU cho biết các bộ trưởng đã thảo luận về thời hạn "không thực tế" của luật Euro 7 và các vấn đề về thiết bị để thực thi luật.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Séc Martin Kupka cho biết: "Nỗ lực của chúng tôi là làm cho những điều kiện của luật trở nên thực tế và khả thi."
[Italy phản đối kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt trong của EU]
Đại diện của Cộng hòa Séc cho biết: Các quốc gia EU đã bảo lưu thời gian ngắn để áp dụng tiêu chuẩn Euro 7, theo đề xuất sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2025 đối với ôtô. Với đề xuất một khoảng thời gian bốn năm để quy tắc có hiệu lực là không phù hợp để lĩnh vực này chuẩn bị thay đổi kỹ thuật và thúc đẩy các biện pháp công nghệ.
Ông Kupka nói: “Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc trong việc cố gắng để châu Âu trung hòa carbon, tôi nghĩ điều đó thực sự có nghĩa là đưa ra các biện pháp thực tế về mặt công nghệ."
Các quốc gia cũng đã thảo luận về hạn chót để áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 7 vào năm 2035 với mục đích loại bỏ dần ôtô phát thải khí CO2-điều sẽ khiến việc bán ôtô mới chạy bằng động cơ đốt trong sau thời điểm này trở nên bất khả thi.
Luật CO2, công cụ chính của EU để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện của châu Âu, đã bị đình chỉ trong tháng này sau sự phản đối vào phút cuối từ Đức. Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách ở Brussels và các quốc gia thành viên khác ngạc nhiên, vì các nước EU và Nghị viện châu Âu đã đồng ý một thỏa thuận về luật này vào năm ngoái.
Đức, vốn nhận được sự đồng tình bởi các quốc gia bao gồm Italy và Cộng hòa Séc, muốn có sự đảm bảo rõ ràng hơn rằng những chiếc xe mới có động cơ đốt trong vẫn có thể được bán sau năm 2035, nếu chúng chạy bằng nhiên liệu trung hòa CO2.
Ngành công nghiệp ôtô châu Âu cũng đang vận động hành lang để làm suy yếu luật khí thải của EU.
Giám đốc điều hành hãng xe Porsche của Đức Oliver Blume cho biết nước này đang "thực hiện các bước thích hợp" để đảm bảo nhiên liệu điện tử - còn được gọi là nhiên liệu tổng hợp, giải pháp thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch, có thể được sử dụng trong các loại ôtô động cơ đốt trong sau năm 2035./.