Ngày 4/10, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe ôtô điện nhập khẩu của Trung Quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp thương mại vẫn đang diễn ra.
Tại cuộc bỏ phiếu, đa số các nước thành viên EU chấp thuận kế hoạch áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc.
Chỉ có Đức - cường quốc ôtô của EU - và Hungary, bỏ phiếu chống.
Trước đó, chính phủ và các nhà sản xuất ôtô của Đức đã nhiều lần bày tỏ quan ngại “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc có thể gây tổn hại đến ngành sản xuất ôtô của nước này.
Dự kiến, quyết định áp thuế sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/10 tới, trừ khi các cuộc đàm phán với Trung Quốc đưa ra được giải pháp giúp chấm dứt tình trạng bế tắc.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Olof Gill tuyên bố bất kỳ giải pháp nào do Bắc Kinh đề xuất đều phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo kế hoạch, các nhóm kỹ thuật của EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 7/10.
Nếu được áp dụng, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với ôtô của BYD, 18,8% đối với ôtô của Geely và 35,3% đối với ôtô của SAIC thuộc sở hữu nhà nước.
Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.
Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua.
Phản ứng trước quyết định của EU, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi EC quay trở lại giải quyết xung đột thương mại thông qua tham vấn.
Quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc leo thang căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi EU thông báo việc áp thuế tạm thời lên tới 38,1% đối với xe ôtô điện nhập khẩu từ đối tác châu Á này, bắt đầu có hiệu lực ngày 4/7.
Bên cạnh đó, EU còn tiến hành các cuộc điều tra, kéo dài đến ngày 2/11 tới, để đánh giá liệu các doanh nghiệp Trung Quốc có được hưởng trợ cấp không công bằng hay không.
Đến thời điểm đó, EU có thể áp đặt mức thuế chính thức, thường có hiệu lực trong 5 năm. Đây là một phần trong chính sách thương mại mới của EU nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô của liên minh trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Trung Quốc cho rằng động thái của EU có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước mình./.
Quan điểm trái chiều về việc EU tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc
Phát biểu tại sự kiện Đối thoại toàn cầu Berlin ở Đức, Tổng thống Pháp cho rằng các nhà sản xuất châu Âu đang phải cạnh tranh “không công bằng” với một số hãng sản xuất ôtô điện của Trung Quốc.