Ngày 9/3, Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ ENI của Italy và Hệ thống Nhiệt hạch Khối thịnh vượng chung (CFS), một công ty con của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã ký một thỏa thuận hợp tác mới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa năng lượng nhiệt hạch.
Thỏa thuận trên củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai công ty, tập hợp chuyên môn quản lý dự án và kỹ thuật của ENI và mạng lưới dự án phát triển của CFS, mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện thương mại đầu tiên dựa trên phản ứng tổng hợp từ tính, có khả năng cung cấp điện vào lưới điện. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành ENI Claudio Descalzi nhấn mạnh “việc có công nghệ này ở cấp độ công nghiệp, cung cấp một lượng lớn năng lượng không carbon được sản xuất theo cách an toàn, sạch sẽ và hầu như không cạn kiệt, có nghĩa là chúng tôi sẽ đóng góp đáng kể vào thách thức chuyển đổi năng lượng." Tập đoàn ENI đầu tư lần đầu vào CFS vào năm 2018 và là cổ đông lớn.
Trước đó, ngày 6/3, ba công ty năng lượng của Italy là Ansaldo Energia, Ansaldo Nucleare và Edison đã ký Ý định thư (LOI) với tập đoàn EDF của Pháp để "hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân mới ở châu Âu và thúc đẩy việc triển khai năng lượng hạt nhân tại Italy."
[11 nước Liên minh châu Âu đẩy mạnh hợp tác về năng lượng hạt nhân]
Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành của Edison, ông Nicola Monti, nói: "Thỏa thuận này đặt nền móng cho sự phản ánh cụ thể và cởi mở về vai trò của năng lượng hạt nhân mới trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Italy. Nhu cầu này đã trở nên rõ ràng hơn sau những biến động trong năm qua, khẳng định tầm quan trọng của các lựa chọn chiến lược dài hạn.
Năng lượng hạt nhân mới bổ sung cho sự phát triển của năng lượng tái tạo và có thể là một giải pháp thích hợp để hỗ trợ các mục tiêu không phát thải ròng carbon năm 2050, góp phần vào sự độc lập về năng lượng của hệ thống châu Âu."
Còn Giám đốc điều hành của Ansaldo Nucleare, ông Riccardo Casale nói rằng công ty của ông đã "quản lý để duy trì thành công chuyên môn hạt nhân của mình, sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Italy. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sứ mệnh này và tích cực tham gia vào nhiều dự án ở một số nước châu Âu, phối hợp với các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp của Italy, chứng tỏ giá trị gia tăng cao mà Italy có thể mang lại cho mối quan tâm mới về năng lượng hạt nhân ở châu Âu."
Italy đã đóng cửa các nhà máy hạt nhân vào năm 1990 sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1987 về năng lượng nguyên tử. Nhưng đã có những lời kêu gọi xem xét lại lệnh cấm, do năng lượng hạt nhân có lượng khí thải carbon thấp và Italy cần phải giảm lượng khí thải nhà kính để chống khủng hoảng khí hậu. Italy đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng sau căng thẳng ở Ukraine và có triển vọng phát triển tiềm năng công nghệ hạt nhân sạch hơn./.