DU/CSU và SPD đạt thêm thỏa thuận về người nhập cư có tay nghề

Ngày làm việc thứ 3, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) ​ và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đạt thêm được thỏa thuận về đạo luật thu hút những người nhập cư có tay nghề.
Thủ tướng Đức, người đứng đầu Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), bà Angela Merkel (trái) và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các hãng truyền thông Đức ngày 9/1 đưa tin trong ngày đàm phán thứ ba giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), các bên đã đạt được thêm một số thỏa thuận quan trọng, trong đó có đạo luật thu hút những người nhập cư có tay nghề.

Đây được cho là tín hiệu tích cực để thấy rằng các chính đảng đang tiến gần đến một quyết định mở các cuộc đàm phán liên minh chính thức.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, nhập cư hiện đang là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ ở nước này.

Hãng tin RND của Đức dẫn một báo cáo từ một nhóm làm việc trong các cuộc đàm phán thăm dò cho thấy liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã nhất trí về một đạo luật, trong đó nhận định rằng những lao động có tay nghề cần được khuyến khích tới Đức một cách có trật tự trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang rất cần những lao động có trình độ do tình trạng dân số già.

Tuy nhiên, hiện các bên vẫn bất đồng về tên gọi của đạo luật mới này. Kể từ giữa năm 2015, hơn một triệu người di cư, trong đó phần lớn trong số này chạy trốn cuộc xung đột ở Trung Đông, đã tới Đức.

Tuy nhiên, nhiều người hiện đang phải vật lộn và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do thiếu kỹ năng ngôn ngữ và trình độ chuyên môn.

Cũng theo hãng tin RND, tại cuộc đàm phán thăm dò ngày thứ ba, liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD cũng nhất trí phát triển mạng Internet tốc độ cao trên toàn quốc đến năm 2025 với khoản đầu tư lên tới 12 tỷ euro.

[Đàm phán lập chính phủ tại Đức: Các bên nhất trí bỏ mục tiêu giảm khí]

Các bên cũng đạt được sự đồng thuận về các khoản thuế ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đầu tư công nghệ số hóa.

Mặc dù hiện cả liên đảng CDU/CSU và SPD nhất trí cùng "kín tiếng" trong các cuộc đàm phán thăm dò, song các thành viên cấp cao của cả hai bên đều thừa nhận cuộc đàm phán đang tiến triển tốt đẹp.

Theo ông Volker Kauder, thành viên cấp cao của khối bảo thủ cho biết các cuộc đàm phán đang thực sự "tốt" và những người tham gia đàm phán đã được lên kế hoạch đưa ra quyết định vào ngày 11/1 tới để xem liệu có xúc tiến các cuộc đàm phán đầy đủ chính thức hay không.

Đảng SPD sau đó sẽ yêu cầu các thành viên của đảng bỏ phiếu cho quyết định này.

Theo kế hoạch, trong cuộc đàm phán thăm dò dự kiến kéo dài 5 ngày này, liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel và SPD sẽ thảo luận 15 chủ đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính/thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình và người di cư, hội nhập... Một báo cáo kết quả các cuộc đàm phán sẽ được công bố vào ngày 12/1 tới.

Việc liên kết với SPD là sự "đặt cược" tốt nhất đối với Thủ tướng Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn đã thất bại.

SPD từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm vừa qua.

Sau cuộc bầu cử vừa qua với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố sẽ trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, ban lãnh đạo SPD đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.

Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh.

Trong trường hợp ngược lại, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục