Ép học sinh không thi lớp 10: Khi bệnh thành tích “đè bẹp” lương tâm nhà giáo

"Tại sao một giáo viên lại có cách hành xử như vậy với một đứa trẻ? Bệnh thành tích có lẽ đã ‘đè bẹp’ lương tâm nhà giáo," anh Thành bức xúc nói.
Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Anh Nguyễn Đức Thành (tỉnh Thái Bình) lặng nhìn theo con trai đang lầm lũi bước về phòng riêng, trái tim anh như thắt lại. Trước những “chiêu thức” liên tục thay đổi của giáo viên chủ nhiệm, hai bố con đã quyết định không dự thi vào lớp 10 đúng như mong muốn của cô.

“Tôi không sợ giáo viên, không sợ nhà trường, nhưng tôi lo cho sức khỏe tinh thần của con vì cháu rất hiền và ở tuổi này, những tác động tiêu cực từ trường lớp, bạn bè thậm chí có thể khiến con bị trầm cảm nên tôi đành chấp nhận,” anh Thành nói.

Anh Thành cho hay con anh có học lực chỉ ở mức trung bình. Khi cả gia đình đang suy tính xem nên cho con thi lớp 10 vào trường nào là phù hợp thì con cho biết cô giáo có vận động những bạn học sinh học lực như con không đăng ký thi lớp 10 công lập mà nên đăng ký xét tuyển vào các trường tư thục.

“Thấy con buồn, tôi rất bức xúc với cách làm của cô giáo vì mọi học sinh đều có quyền mơ ước, quyền nỗ lực dự thi vào những môi trường giáo dục con mong muốn. Trường tư thục, trường nghề là nơi mà nếu trượt trường công lập con vẫn có cơ hội xét tuyển bình thường,” anh Thành chia sẻ.

Bức xúc trước cách làm của cô chủ nhiệm, gia đình anh đã liên hệ với giáo viên và hiệu trưởng, phản đối việc vận động học sinh không dự thi lớp 10 đồng thời khẳng định việc gia đình và con có mong muốn đăng ký dự thi lớp 10.

“Hiệu trưởng đã thống nhất việc tôn trọng nguyện vọng của con. Tuy nhiên, một tuần sau, tôi được biết giáo viên đã vận động các bạn trong lớp cô lập con, khiến con bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề vì cháu vốn nhút nhát. Nhìn con lầm lũi, tôi xót xa vô cùng. Tại sao một giáo viên lại có cách hành xử như vậy với một đứa trẻ? Bệnh thành tích có lẽ đã ‘đè bẹp’ lương tâm nhà giáo. Tôi muốn đấu tranh vì quyền lợi của con nhưng lại lo lắng nếu làm căng thẳng hơn nữa, con tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề hơn vì con vẫn sẽ phải đến trường đi học mỗi ngày. Thế nên, tôi đành buông…” anh Thành nghẹn lòng nói.

Mới đây, cả nước cũng đã xôn xao trước thông tin Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trương gửi mẫu đơn "xin không thi tuyển sinh lớp 10" cho học sinh điền tên, đem về cho phụ huynh ký với nội dung: “Căn cứ vào kết quả học tập năm học vừa qua và năng lực nhận thức của cháu không tốt, gia đình nhận thấy khả năng của cháu khó có thể theo học chương trình trung học phổ thông hệ công lập. Nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu (tên học sinh) không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khóa ngày 6/6/2024.”

Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn đã chỉ đạo kiểm điểm lãnh đạo trường, giáo viên đồng thời rà soát, chấn chỉnh với tất cả các trường trên địa bàn.

Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường Trung học cơ sở Tiến Thiết và Trung học cơ sở Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) cũng phản ánh việc con không được ôn thi lớp 10. Trước thông tin trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành công văn đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định mọi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều có quyền tham dự kỳ thi vào lớp 10, các trường tuyệt đối không được ngăn cấm và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Việc các trường trung học cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực chưa tốt không được dự thi lớp 10 không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra trong nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận. Theo lãnh đạo một trường trung học cơ sở, điều này nhằm giúp các trường có thành tích đẹp về tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường công lập vì các học sinh học này có cơ hội đỗ rất thấp khi theo chủ trương phân luồng của Chính phủ, chỉ khoảng 60-70% học sinh học hết trung học cơ sở sẽ học tiếp lên trung học phổ thông.

Tuy nhiên, theo anh Thành, chủ trương phân luồng học sinh đã được khống chế bằng tỷ lệ 60-70% học sinh có thể đỗ vào các trường công lập. “Học sinh học lực yếu, trung bình có thể trượt nhưng đi thi là quyền được thử sức của mọi học sinh và cũng là động lực để các con cố gắng. Không thể chỉ vì thành tích của nhà trường mà tước đi cơ hội của học trò, khiến các con mất tự tin vào bản thân mình,” anh Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục